Tạo nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị
(Chinhphu.vn) - Những quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là giải pháp chính sách nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đặc thù trong triển khai các dự án đường sắt đô thị vốn tồn tại từ nhiều năm nay.
Cần giải pháp đột phá, đặc thù
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện Quy hoạch, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông).
Quyết định số 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2016, phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu Hà Nội phải ưu tiên phát triển vận tải đường sắt đô thị đến năm 2030 chiếm 25% - 30% và sau năm 2030 là từ 35% - 40% ở khu vực đô thị trung tâm. Yêu cầu này đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có giải pháp đột phá, đặc thù để thực hiện ược các mục tiêu quy hoạch nêu trên, đặc biệt các giải pháp về nguồn lực đầu tư…
Để có thể có thêm nguồn vốn đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị, một giải pháp chính sách được quy định tại Điều 39 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (dự án TOD).
Đây là dự án tổng thể đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị dọc tuyến và là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô.
Do đó, dự án TOD là một giải pháp có thể mang lại nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam kỳ vọng, những giải pháp chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực được thiết kế trong dự thảo Luật sẽ tạo ra các bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế.
Thủ đô Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn nhiều địa phương khác khi giá trị thương mại từ đất tại các đô thị của Hà Nội là rất cao. Với định hướng phát triển đô thị theo Quy hoạch chung theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg hoặc Quy hoạch chung điều chỉnh thì Thủ đô Hà Nội có quỹ đất để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Cơ chế Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng như quy định tại Điều 39 của Dự thảo sẽ cho phép Thành phố huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị, trong đó việc quy hoạch vùng phụ cận và thu hồi, đấu giá đất trong vùng phụ cận là biện pháp để thu lại giá trị gia tăng từ đất để tạo nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị.
"Quy định này đã cơ bản thể hiện được về biện pháp, cách thức triển khai thực hiện và giải pháp kết hợp giữa dự án đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị, giúp Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển đường sắt đô thị. Từ đó, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông, giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông ở đô thị trung tâm; giảm ô nhiễm không khí…", TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, cơ chế này sẽ giúp Thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai nhằm phục vụ trực tiếp cho xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị…
Nên dành ngân sách cho những dự án TOD trong nội đô
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; quy định được vai trò, trách nhiệm quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô để khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ, không gian trên cao trong phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng.
"Thành phố nên dành ngân sách để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô", đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý.
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường; là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.
Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng "xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên" có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại…
Có thể thấy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí có liên quan đến công tác quy hoạch về dự án TOD như yêu cầu của dự án TOD là phải có sự quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần, quy hoạch đồng bộ các không gian liên quan; bố trí được nguồn lực để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; các nhà đầu tư cam kết triển khai đồng bộ các dự án này.
Diệu Anh