Tạo những bước đột phá để Hà Nội luôn ‘Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp’
(Chinhphu.vn) - Nhằm bảo đảm thành phố “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, nhiều sáng kiến trong công tác quy hoạch đã được TP. Hà Nội đưa ra. Tuy nhiên, để có được hiệu quả tích cực, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách quy hoạch cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào những khó khăn mà Hà Nội đang phải đối mặt để nghiên cứu những bước đột phá.

Hà Nội hướng tới thành phố luôn “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Công tác điều chỉnh quy hoạch vẫn còn nhiều vướng mắc
Theo đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, công tác điều chỉnh quy hoạch và lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 còn nhiều vướng mắc. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng nằm trong kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án tuyến đường, chưa bảo đảm tính khả thi, dẫn đến tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm.
Đáng lưu ý, tỉ lệ đất dành cho giao thông, tỉ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng chưa đạt kế hoạch. Công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác, theo hướng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật cũng như nguồn lực xã hội.
Công tác quy hoạch trong suốt hơn 30 năm qua là một tài sản công việc khổng lồ của cả Thủ đô. Để công tác quy hoạch đạt hiệu quả cao, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã chủ động và có nhiều nỗ lực, cố gắng tham gia triển khai thực hiện những đồ án, dự án, đề án lớn như Quy hoạch chung xây dựng Thủ Đô (1998, 2011); Quy hoạch chi tiết các quận huyện, các khu vực đặc thù (1998-2011); hàng chục quy hoạch chung xây dựng huyện, đô thị vệ tinh, thị trấn, các quy hoạch phân khu đô thị trung tâm, nội đô lịch sử và sông Hồng; các quy chế quản lý; các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, cải tạo chỉnh trang các khu vực di sản, các khu tập thể cũ; các chương trình phát triển đô thị thành phố...
Cùng đó là các đề án xây dựng cầu vượt sông Hồng như: cầu Nhật Tân, cầu Tứ Liên, cầu Thanh Trì, cầu Trần Hưng Đạo...; kế hoạch sử dụng đất và di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, các nội dung ưu tiên phát triển văn hóa-xã hội, giải pháp giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố... tham gia ý kiến xây dựng các Bộ Luật liên quan đến Quy hoạch, Luật Thủ đô, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... và các nghị định, thông tư hướng dẫn; các Nghị quyết, Báo cáo chính trị của Thành ủy trình các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và thành phố...
Đặc biệt, ngành quy hoạch đã hoàn thành lập, trình duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô... Đây là những nội dung, văn kiện có tác động sâu rộng, lâu dài tới quá trình phát triển của Thủ đô trong suốt 30 năm qua, đồng thời cũng góp phần tích cực cho nhiều vấn đề quan trọng có tầm ảnh hưởng trên bình diện cả nước.
Để Hà Nội tăng tốc, xây dựng và phát triển
Nhằm tháo gỡ những bất cập trong công tác quy hoạch, Luật Thủ đô năm 2024 quy định, quy hoạch Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Hà Nội phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước, với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Thành phố được tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.
Đất bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.
Để quy hoạch này thật sự có ý nghĩa và khả thi, theo quy định tại Luật Thủ đô, thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư được phân cấp, chuyển từ Thủ tướng Chính phủ về cho Hà Nội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý, bảo vệ đê điều và phòng, chống thiên tai. UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. HĐND thành phố ban hành trình tự, thủ tục thực hiện việc điều chỉnh.
Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội, đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, giúp Hà Nội tăng tốc, xây dựng và phát triển. Luật cũng quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên phát triển các công trình ngầm của thành phố, bao gồm cả nhà ga, tàu điện ngầm trung tâm kết hợp với các tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ ngầm theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Ngày 15/3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Như vậy, Hà Nội là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm. Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề trong chính sách đặc thù đã được xác định trong Luật Thủ đô năm 2024 để tạo ra những đột phá, phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật Thủ đô chủ trương phân cấp, giao quyền cho Hà Nội quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), là cơ hội để Hà Nội có những bứt phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ đó, phát triển Thủ đô không chỉ theo chiều cao, chiều ngang mà còn theo chiều sâu, tạo dựng một hệ thống không gian đô thị đồng bộ, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, năng lực cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan lịch sử, văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện hệ sinh thái đô thị, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, hướng tới phát triển đô thị hiện đại và bền vững.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định bước sang năm 2025 là một dấu mốc quan trọng để thực hiện rất nhiều vấn đề lớn, tổng thể, đồng bộ trên bước đường xây dựng Thủ đô văn minh như kế hoạch.
Phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc
Sau khi hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cần phải được tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện.
Trong đó có việc lập, thẩm định và trình duyệt hơn 40 đồ án và đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị, 10 quy hoạch vùng huyện, 5 quy hoạch chung, 24 quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh 14 quy hoạch chung thị trấn, thị trấn sinh thái. Đó là chưa kể các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị và khoảng 250 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng.
Các mục tiêu nhiệm vụ phát triển đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới đặc biệt liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị; trong đó lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đi trước 1 bước. Theo đó, cần tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc...
Cùng với việc phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, sẽ từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)… Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hoá tại khu vực nội đô lịch sử; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Theo yêu cầu, ngành quy hoạch đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý đô thị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt ùn tắc giao thông, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường, chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị...
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, các đơn vị chức năng trong công tác quy hoạch sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong thời kỳ mới, không ngừng hoàn thiện và phấn đấu đạt kết quả nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh và phát triển.
Thùy Chi