Tạo sức bật cho xuất khẩu nông sản Thủ đô

13/03/2023 2:31 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, Hà Nội đang chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Dù số lượng xuất khẩu nông sản của Hà Nội còn khiêm tốn nhưng đây là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tạo sức bật cho xuất khẩu nông sản Thủ đô - Ảnh 1.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các nhóm, ngành hàng nông sản. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nhiều nông sản mũi nhọn, tiềm năng

Theo thống kê, trong năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,75 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và các tỉnh nhằm thu mua nguyên liệu của các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu.

Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) xuất khẩu sang Đức; rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc…

Là địa phương có truyền thống sản xuất rau nên năng suất rau trên địa bàn Thành phố luôn ổn định, có xu hướng tăng do người sản xuất chú trọng đầu tư thâm canh và bảo vệ sản xuất. Sản lượng rau hằng năm đạt trên 700.000 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,9%/năm. Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng, theo mùa, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô...

Để phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300ha; trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, huyện Ba Vì đang xây dựng vùng chuyên canh chuối 300ha ven sông Hồng, sông Đà tại các xã: Minh Châu, Chu Minh, Thuần Mỹ… cho giá trị từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm. Cùng với xuất khẩu quả chuối tươi, các hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối...

Tăng cường kết nối, xúc tiến xuất khẩu

Tuy nhiên xuất khẩu nông sản vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp về bảo hộ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp, phần lớn nông sản tiêu thụ tại các chợ, kênh tiêu thụ truyền thống...

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, về xây dựng thương hiệu gạo Bảo Minh, công ty liên kết với nông dân các tỉnh, thành phố xây dựng vùng sản xuất lúa gạo tập trung, quy mô lớn. Đơn vị đang khởi động xây dựng nhà máy chế biến gạo và nông sản sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Thanh Oai nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gạo ra thị trường thế giới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường giải pháp kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; tăng cường thông tin về tiềm năng thị trường, hướng dẫn đăng ký mã số vùng sản xuất; quy định kiểm dịch, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

Đồng thời, tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất Thành phố điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách nhằm phát triển chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; tăng cường tập huấn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài... nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề thị trường, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những năm qua với mong muốn giúp người dân được sử dụng các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản an toàn, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng về tiêu thụ tại hệ thống phân phối của Hà Nội

Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các nhóm, ngành hàng nông sản. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đa dạng các thị trường; tiếp tục hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Diệu Anh

Top