Tập trung phát triển nguồn giống chất lượng cao

20/06/2023 10:40 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng... để phát triển sản xuất nông nghiệp hướng tới xuất khẩu. Trong đó tập trung phát triển nguồn giống chất lượng cao, xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là định hướng phát triển lâu dài và hiệu quả.

Tập trung phát triển nguồn giống chất lượng cao - Ảnh 1.

Hà Nội tập trung phát triển nguồn giống chất lượng cao, xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay tại VAAS lưu giữ 18.540 nguồn gen hạt trong kho lạnh, 5.927 nguồn gen trên đồng ruộng, 782 nguồn gen in-vitro tại Trung tâm Tài nguyên thực vật cùng nhiều nguồn gen cây ăn quả nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới.

Nguồn gen vi sinh vật đất, phân bón và bảo vệ thực vật với gần 2.000 chủng đang được lưu giữ, bảo tồn tại các Viện Bảo vệ thực vật và thổ nhưỡng nông hóa. Các nguồn gen cây trồng và vi sinh vật được sử dụng làm vật liệu cho nghiên cứu tạo giống, phát triển các chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất.

Các sản phẩm khoa học công nghệ của VAAS đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế, ước tính 60 nghìn tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ vào GDP trong nông nghiệp (ước tính khoảng 33%).

Trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây trồng, Viện đã tiến hành điều tra hiện trạng, bình tuyển và khai thác phát triển nguồn gen cây ăn quả quý của Hà Nội như bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Hòa bình, quýt Tích Giang, cam Canh, gừng đen... Nhiều vườn cây đầu dòng đã được xây dựng cùng với các  quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp bền vững.

Hay việc chọn tạo giống năng suất cao, chất lượng tốt và phục tráng, phát triển các giống cây đặc sản bản địa như các giống lúa (BQ và QP-5), ngô (ngô sinh khối, ngô lai VS201), rau (bí xanh F1), hoa (lay ơn, mai vàng Yên tử, hoa hồng trồng chậu và làm hương liệu, hoa huệ), cây ăn quả (nhãn chín sớm, dưa lê vàng lai... có nhiều triển vọng, năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Hà Nội đã được chọn tạo và phát triển. Qua đó giúp tăng năng suất 15%-20%, tăng hiệu quả kinh tế 15%-25% so với các giống đang được trồng đại trà.

Một số nông sản bản địa (rau an toàn Xuân Phú, rau an toàn Thanh Đa, rau cần Khai Thái, khoai tây Hương Ngải, cà Trung Hưng, bưởi Thạch Thất, mít Sơn Tây, chuối Vân Nam, kiệu Yên Bình... của Hà Nội đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, kèm theo bộ quy định quản lý kiểm soát và nhận diện nhãn hiệu tập thể.

Tập trung phát triển nguồn giống chất lượng cao - Ảnh 2.

Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển nguồn giống cây, con cung cấp cho Thành phố và các tỉnh, thành. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Vừa qua, Trung tâm chuyển giao Khoa học Công nghệ và Khuyến nông, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng với Hội nông dân Hà Nội xây dựng và triển khai đề án "Nâng cao vai trò của Hội nông dân và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (rau đặc sản, lúa thảo dược) giai đoạn 2023-2028". Mục tiêu chung của Đề án là phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch và dịch vụ nông thôn tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội; xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ một số loại rau đặc sản và lúa thảo dược trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thành phố Hà Nội theo hướng đa mục đích, hiệu quả kinh tế cao; phát triển bền vững các cây trồng đặc sản (rau đặc sản, lúa thảo dược) góp phần xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Để phối hợp trong việc phát triển nguồn giống chất lượng cao hiệu quả giữa Hà Nội và VAAS, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các sở ngành của Thành phố cần đẩy mạnh hợp tác cùng VASS trong lĩnh vực giống cây trồng, nhất là giống lúa mang thương hiệu của Hà Nội. Đồng thời nghiên cứu, triển khai từng bước, đồng bộ việc xây dựng vùng trồng lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ; thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi, gắn kết, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hay các cây trồng khác như hoa, cây cảnh như xây dựng, thí điểm vùng trồng giống hoa sen mới, vùng trồng rau hữu cơ, theo hướng hữu cơ.

Để triển khai, Sở NN&PTNT và Hội Nông dân phối hợp nghiên cứu, đề xuất tham mưu UBND TP về nội dung chương trình hợp tác cụ thể với VAAS theo hướng đặt hàng đề tài nghiên cứu; hàng năm có báo cáo UBND TP kết quả, đánh giá hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Thiện Tâm

Top