Thị trường lao động Hà Nội có nhiều chuyển động tích cực
(Chinhphu.vn) - Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tình hình thị trường lao động đã có những chuyển động tích cực trong quý I/2023. Ước tính, tổng nhu cầu tuyển dụng của Hà Nội là khoảng 100.000 - 120.000 vị trí việc làm.
Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Vận tải - logistics; dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; công nghệ - thông tin…
Cụ thể, trong quý I, nhu cầu di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hoá trong dịp lễ hội xuân tăng cao. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vận tải - logistics trong quý I/2023 là khoảng 14.000 - 18.000 vị trí, chủ yếu tuyển dụng ở các vị trí là lái xe, nhân viên kho, nhân viên điều vận...
Ngành Dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn, du lịch hứa hẹn sẽ là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bùng nổ trong quý I và giai đoạn tiếp theo. Nhiều chính sách, chương trình kích cầu du lịch được ban hành, thúc đẩy hoạt động của ngành phục hồi và tăng trưởng mạnh. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của ngành khoảng 10.000 - 12.000 vị trí.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản ước tính khoảng 10.000 - 15.000 vị trí. Các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng ở vị trí nhân viên môi giới, nhân viên trực tổng đài, …
Hoạt động tài chính - ngân hàng cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính từ 15.000-20.000 vị trí. Tập trung chủ yếu ở các vị trí nhân viên giao dịch, nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nhân viên thẩm định tài sản.
Công nghệ thông tin vẫn là một lĩnh vực được dự báo có mức tăng trưởng cao trong năm 2023. Trong quý I, theo quan sát, các doanh nghiệp có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ 12.000 - 15.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, UI/UX, DA, BA, lập trình ứng dụng di động, lập trình game...
Năm 2023, TP. Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 người lao động. Với mục tiêu này, ngành lao động Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp, quan trọng nhất là xây dựng mạng lưới thông tin thị trường lao động.
Thành phố sẽ chú trọng phát triển thị trường lao động bằng việc tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Thành phố. Cùng với đó, Thành phố cũng xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, thiết lập mạng lưới thu thập, khảo sát, và cập nhật dữ liệu thị trường lao động tại mỗi quận, huyện…
Trong năm nay, các phiên giao dịch việc làm hỗ trợ người lao động cũng sẽ được tổ chức đa dạng, phục vụ nhu cầu của nhiều nhóm lao động, dưới hình thức trực tiếp cũng như trực tuyến.
Trước đó, để đảm bảo phát triển triển thị trường lao động được hiệu quả, bền vững và kịp thời hỗ trợ người lao động có nhu cầu việc làm sau Tết Nguyên đán, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố vào ngày 9/2.
Minh Anh