Thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch địa phương

29/09/2022 12:57 PM

(Chinhphu.vn) - Du lịch Hà Nội đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các đơn vị địa phương cần chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, đưa ra các sản phẩm mới, mang tính kết nối vùng để thu hút, hấp dẫn du khách được nhiều hơn.

Thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch địa phương - Ảnh 1.

Quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: VGP/Minh Anh

Sản phẩm du lịch chưa độc đáo

Theo nhiều chuyên gia du lịch nhận định, khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng hoạt động dường như vẫn trong tình trạng "mùa vụ". Điển hình như tại huyện Mỹ Đức có quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Tuy nhiên, ngoài Hương Sơn, thì không mấy ai biết đến những địa danh du lịch khác của huyện. Ngay cả Hương Sơn cũng chỉ đón khách trong mùa xuân - mùa lễ hội.

Trong khi đó huyện Mỹ Đức còn có làng nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá; nghề mây, tre, giang đan Đông Mỹ; nghề múa rối ở Tế Tiêu... và nhiều di tích độc đáo khác. Đặc biệt, cách đó Hương Sơn không xa là khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.120 ha… Tuy vậy, những địa danh kể trên đều chưa phải là những điểm đến thu hút khách du lịch.

Còn tại thị xã Sơn Tây, ngoài làng cổ Đường Lâm, còn có tòa thành đá ong độc nhất vô nhị Việt Nam ngay ở trung tâm thị xã; đền Và thờ Tản Viên Sơn Thánh hay Văn Miếu Sơn Tây. Theo các chuyên gia, đó hoàn toàn có thể hình thành một "con đường di sản" ngay trên địa bàn thị xã, chưa kể có thể xây dựng những tour liên thông với các khu nghỉ dưỡng, sinh thái khác trên địa bàn Sơn Tây và Ba Vì. Nhưng đến nay, khách du lịch đến Sơn Tây chủ yếu là tham quan làng cổ Đường Lâm rồi về.

Thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch địa phương - Ảnh 2.

Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) . Ảnh: VGP/Minh Anh

Ở các địa phương như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì…, tình trạng du lịch "một mùa" dường như cũng diễn ra khá phổ biến, chưa có các sản phẩm mới hấp dẫn du khách, mang tính kết nối vùng.

Lý giải về những hạn chế, khó khăn khiến du lịch khu vực ngoại thành chưa phát triển mạnh, các địa phương cho rằng làng nghề chưa tập trung, chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết với du lịch. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp và chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, nhất là việc phát triển hạ tầng trong và ngoài phạm vi làng nghề. Các di tích lịch sử chưa được đầu tư, khai thác và nâng tầm thỏa đáng để phát triển. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, quà lưu niệm còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm phát triển du lịch... Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, các huyện cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành Du lịch.

Biến tiềm năng sẵn có của địa phương thành sản phẩm du lịch mới

Theo TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo-hội nghị... do đó cần được phát huy.

Bà Thủy dẫn chứng dọc Đại lộ Thăng Long có chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) đều là những Di tích quốc gia đặc biệt. Trục đường 32 có đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và các di tích trên địa bàn Sơn Tây… Đây hoàn toàn có nhiều lợi thế để xây dựng thành những tua, tuyến du lịch hấp dẫn với nhiều làng nghề nổi tiếng, di tích, di sản.

Thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch địa phương - Ảnh 3.

Khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng thành những tua, tuyến du lịch hấp dẫn với nhiều làng nghề nổi tiếng, di tích, di sản. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đối với huyện Mỹ Đức, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Flamingo Redtours chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội không biết tới những điểm đến, tua tuyến độc đáo của Mỹ Đức do thông tin hạn chế, khó tiếp cận.

Chính vì vậy, theo bà Vân Anh, huyện Mỹ Đức cần có những cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưu trú nghỉ dưỡng. Xu thế này rất thích hợp với nhu cầu du lịch sau đại dịch Covid-19.  Một số ý kiến chuyên gia khác thì cho rằng, Mỹ Đức cần khai thác bài bản hơn hoạt động du lịch ở chùa Hương, phải làm sao để khách đến chùa Hương quanh năm. Đây cũng là điểm hạn chế của nhiều địa phương khác khi tiềm năng chưa biến thành sản phẩm.

Theo bà Nghiêm Thúy Hà, chuyên gia du lịch, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Aadasia Group, bất cứ hoạt động gì thú vị, đặc trưng cho địa phương, đặc trưng cho mùa vụ, gia đình . . . đều có thể trở thành một Sản phẩm Tour trải nghiệm. Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách, các cán bộ quản lý du lịch ở địa phương cần có danh sách các chủ sở hữu sản phẩm tại địa phương; nắm được thời tiết, địa hình, khí hậu, đặc điểm phát triển của sản phẩm; ví dụ (với Cốm vòng) mùa cốm, loại gạo làm được cốm, khách hàng hay mua cốm. Bên cạnh đó, nhắc nhở và kiểm soát các giới hạn (pháp luật, thời tiết, điều kiện đường sá . .) để giúp sản phẩm được giới thiệu một cách đúng đắn và an toàn.

Bà Thúy Hà cũng đưa ra một số giải pháp đối với doanh nghiệp đó là cần nắm được yêu cầu của khách hàng hoặc yêu cầu phát triển sản phẩm trải nghiệm của doanh nghiệp mình, tiến hành tìm kiếm kết nối thẳng với chủ sở hữu hoặc cán bộ phụ trách du lịch của địa phương. Cùng với đó, tìm hiểu điều kiện hình thành và phát triển của sản phẩm địa phương; lên quy trình giới thiệu một sản phẩm địa phương và các giới hạn cần biết; đào tạo điều hành, hướng dẫn về quy trình này; đặt tên cho sản phẩm, xác định thời điểm thích hợp đưa vào tour…

Nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng, Hà Nội cần phải đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến, thúc đẩy du lịch cộng đồng, tạo sự liên kết giữa di sản-làng nghề-các điểm tham quan, nghỉ dưỡng…

Để tạo bước đột phá cho du lịch các địa phương, Hà Nội đã có kế hoạch về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Thành phố phấn đấu trong giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố, triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn có sự tham gia của các chủ thể nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp. Thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức cho người làm du lịch nông thôn. Đồng thời, Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng thí điểm sáu mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại một số huyện.

Minh Anh

Top