Thực hiện Quy chế dân chủ: Phát huy được vai trò giám sát của cơ sở

10/05/2024 3:33 PM

(Chinhphu.vn) - Qua thực hiện bài bản, sáng tạo Quy chế dân chủ ở cơ sở tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy mạnh mẽ, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại mỗi địa phương.

Thực hiện Quy chế dân chủ: Phát huy được vai trò giám sát của cơ sở- Ảnh 1.

Người dân phấn khởi khi nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Đường Vành đai 4 đi qua địa bàn. Ảnh: VGP

Phát huy vai trò giám sát ở cơ sở

Các Đoàn kiểm tra của Thành ủy Hà Nội đang tiến hành kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Theo quận Long Biên, hơn 20 năm qua, QCDC được tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy mạnh mẽ, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực.

Quận đã phát huy vai trò giám sát, tố giác của người dân đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Năm 2023, đã kiểm tra và xử lý 8 điểm nóng về ô nhiễm môi trường theo phán ánh của người dân; đã di dời, đình chỉ hoạt động của 76 cơ sở.

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn quận được triển khai tích cực với các giải pháp cụ thể. Quý I/2024, đã tiếp 58 lượt với 200 người, trong đó (lãnh đạo tiếp 18 lượt với 74 người; Ban tiếp dân tiếp 40 lượt với 126 người).

Tại cấp phường, sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, Ban Thanh tra Nhân dân các phường đã giám sát 231 lượt. Qua đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 86/86 vụ, việc; giám sát 1.722 công trình xây dựng nhà ở tư nhân; phối hợp hòa giải 131/133 vụ việc (đạt 98%). Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 111 các dự án và đã kiến nghị khắc phục 27 vi phạm. Trên địa bàn quận có 225 tổ hoà giải ở cơ sở với 1.317 hòa giải viên. Năm 2023, đã hòa giải 149 vụ, tỷ lệ hoà giải thành đạt 100% (149/149 vụ).

Thực hiện QCDC trong cấp phép xây dựng, năm 2023, quận đã cấp 1.616 giấy phép xây dựng, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm xây dựng trên đất không được phép xây dựng, đất nông nghiệp tồn tại năm 2022; phát hiện và xử lý dứt điểm 50/52 trường hợp phát sinh, 2 trường hợp đang tiếp tục xử lý. Quý I/2024, đã cấp được 693 giấy phép xây dựng.

Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận cho biết, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị quận.

Trong đó, công tác CCHC luôn được quận Hoàn Kiếm xác định là khâu đột phá, quận đã đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các mô hình sáng kiến trong công tác như: Mô hình "Các thủ tục hành chính không chờ" được người dân ủng hộ, phản hồi tích cực. Với 65% đến 70% số hồ sơ TTHC của phường được giải quyết ngay đã giảm thời gian đi lại, chờ đợi, đem đến sự hài lòng cho người dân. Hiện nay, UBND quận đang tiếp tục triển khai 04 sáng kiến mới về CCHC đã tạo được nhiều thuận lợi và được sự đồng tinh, ủng hộ của người dân.

Quận đã tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề giữa Thường trực quận ủy với đoàn viên, thanh thiếu nhi quận nhằm phát huy dân chủ, quyền và trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội, Đội của đoàn viên, thanh thiếu nhi trong tham gia đóng góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tại hội nghị đối thoại đã có 18 ý kiến, 100% các ý kiến, kiến nghị đã được các đồng chí trong Thường trực Quận ủy giải đáp, tiếp thu và giao cho các đơn vị tham mưu thực hiện.

‎  Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm so với cùng kỳ của những năm trước; trên địa bàn quận không có vụ việc khiếu kiện đông người, 100% các vụ việc khiếu nại, tố cáo ban hành kết luận giải quyết tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại đúng thời hạn. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp đã được giải quyết dứt điểm.

Tiếp tục tuyên truyền quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối với cấp xã, thị trấn, huyện Đan Phượng đã công khai thực hiện 11 nội dung để nhân dân biết, giám sát. Hàng năm, huyện đều tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa tại 129/129 thôn, phố, cụm dân cư và 16/16 xã, thị trấn.

Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được chú trọng. Từ tháng 1/2023 đến nay, Ban Thanh tra Nhân dân đã giám sát 144 vụ, qua đó phát hiện 12 vụ vi phạm, tiếp nhận 32 kiến nghị, phản ánh; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 104 dự án, qua đó phát hiện 4 dự án có sai phạm đã kịp thời kiến nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục. Phối hợp giám sát lĩnh vực khác 122 lượt.

Các tổ đã hòa năm 2023 giải thành 72/78 vụ việc, đạt 82,75%. Toàn huyện hiện có 787 tổ tự quản, 129 Tổ dân vận thôn, phố, cụm dân cư do Bí thư chi bộ làm tổ trưởng với 1.450 thành viên làm nòng cốt và trực tiếp vận động nhân dân.

Trong thực hiện QCDC trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức họp để tuyên truyền, vận động người dân trong diện có đất bị thu hồi, thông báo công khai các quy hoạch, chỉ giới giải phóng mặt bằng, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thị trấn để người dân tham gia ý kiến, vì vậy, người dân phối hợp, đồng thuận trong thực hiện các dự án.

UBND huyện đã ban hành trên 2.500 thông báo thu hồi đất để thực hiện 55 dự án, trên 1.900 quyết định thu hồi đất của 37 dự án trên địa bàn huyện với diện tích trên 83ha của trên 2.000 lượt hộ gia đình, cá nhân và tổ chức...

Trong kết luận các cuộc kiểm tra, các Trường đoàn kiểm tra QCDC của Thành ủy Hà Nội đều nhận định, QCDC đã xuống tận phường, tổ dân phố, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiều địa phương có mô hình hay, sáng tạo được áp dụng gây hiệu ứng tích cực, được người dân đón nhận.

Các Trưởng đoàn kiểm tra cũng đề nghị các địa phương tập trung công tác kiểm tra, giám sát; phân loại việc thực hiện QCDC trong các loại hình, nhất là thực hiện QCDC trong các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác rà soát với cấp cơ sở để tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác tuyên truyền Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở.

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở, vận động người dân tham gia; có thể xây dựng cẩm nang để tra cứu, tuyên truyền về QCDC ở cơ sở; phát huy dân chủ, tạo đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Quan tâm xây dựng và thực hiện tốt quy chế QCDC ở cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên mỗi địa bàn.

Gia Huy

Top