Tiêu thụ rau an toàn vẫn còn gặp khó khăn

04/12/2023 4:23 PM

(Chinhphu.vn) - Toàn thành phố Hà Nội hiện có 35 chuỗi tiêu thụ rau an toàn với 208 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng số lượng tiêu thụ qua hợp đồng đạt 42 tấn/ngày, trong khi đó sản lượng rau của Hà Nội đạt hơn 33.000 tấn/ngày. Việc sử dụng rau an toàn là nhu cầu cần thiết của người tiêu dùng. Thế nhưng, vấn đề tiêu thụ rau an toàn vẫn là một thách thức để sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Tiêu thụ rau an toàn vẫn còn gặp khó khăn- Ảnh 1.

Hiện nay việc tiêu thụ rau an toàn trên địa bafnTP. Hà Nội vẫn còn gặp hạn chế, khó khăn. Ảnh: VGP/TT.

Vùng rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội hình thành ngày càng nhiều hơn. Việc tìm khâu tiêu thụ rau an toàn được đề cập từ nhiều năm trước nhưng vẫn gặp khó khăn. Mặc dù các ngành chức năng của thành phố đã hỗ trợ người dân thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để đưa sản phẩm rau an toàn đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng, số lượng rau tiêu thụ không được bao nhiêu so với năng lực sản xuất của các hợp tác xã.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ rau an toàn Phúc Thịnh xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh Tô Thị Hiền, hiện nay hợp tác xã đang quản lý 2,5 ha, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 2 đến 3 tấn rau sạch như: Mướp, rau cải, dưa chuột, đậu quả... nhưng chỉ được 20% vào được một số bếp ăn của các trường học, doanh nghiệp và cửa hàng rau an toàn trên địa bàn huyện. Còn lại nông dân vẫn mang ra chợ đầu mối hoặc bán cho thương lái như rau thường. Mặt khác, sự chênh lệch về giá bán giữa rau an toàn và rau thường không đáng kể, thậm chí có thời điểm ngang bằng, trong khi đầu tư sản xuất rau an toàn cao hơn 10%-20% và mất nhiều công sức hơn.

Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hòa Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Trịnh Văn Vĩnh cho biết, hiện nay hợp tác xã đang trồng gần 50 ha rau an toàn, trung bình mỗi ngày xuất bán 30-40 tấn. Để thúc đẩy khâu tiêu thụ, hợp tác xã đã kết nối với một số siêu thị, bếp ăn tập thể và mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại chợ Hà Đông. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ chỉ vào khoảng 60%, còn lại vẫn bán qua thương lái. Hợp tác xã muốn mở thêm cửa hàng tại một số quận trong thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng tiền thuê cửa hàng khá cao, nếu chỉ bán rau thì thu không đủ bù chi.

Vấn đề tìm đầu ra của rau an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi mạng lưới tiêu thụ còn nhỏ lẻ. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, nhiều điểm bán rau an toàn của các hợp tác xã chưa được bố trí hợp lý, thuận tiện với người tiêu dùng nên kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh rau an toàn còn quá ít, quy mô hoạt động nhỏ. Trong khi đó, công nghệ chế biến, bảo quản rau an toàn còn lạc hậu và thiếu cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng sản phẩm. Hiện toàn thành phố mới chỉ có 8 cơ sở chế biến rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày và 42 cơ sở chế biến nhỏ của các hợp tác xã, doanh nghiệp công suất trung bình 200 kg-1.000 kg/ngày.

Bên cạnh đó, số lượng hợp tác xã sản xuất rau, nhất là số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP còn quá ít; việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất của các hợp tác xã còn nhiều khó khăn.

Liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất rau an toàn

Nhằm phát triển các mạng lưới cửa hàng rau ở các quận, huyện, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Minh cho biết, các sở ngành cần tham mưu cho thành phố tiếp tục có chương trình hỗ trợ phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn tại khu dân cư cho các hợp tác xã trong thời điểm đầu. Chẳng hạn như: Xem xét bố trí nguồn vốn từ chương trình bình ổn giá cho chương trình phát triển rau an toàn; hỗ trợ tiền thuê cửa hàng; tổ chức việc kết nối cho các đơn vị sản xuất rau an toàn xây dựng chuỗi liên kết để tiếp cận, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, huyện Đông Anh có khoảng 800 ha sản xuất rau an toàn, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 tấn rau các loại. Để đẩy mạnh khâu tiêu thụ, ngoài hỗ trợ cho các xã sản xuất rau an toàn về quy trình sản xuất, tem truy xuất nguồn gốc, huyện đã khai trương chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiểm soát an toàn và ra mắt hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản sạch với sự tham gia của 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Qua đó giúp cho các cơ sở sản xuất đẩy mạnh khâu tiêu thụ thông qua nhiều kênh bán hàng.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 3.000-4.000ha rau an toàn; đồng thời, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Để tiếp tục thúc đẩy việc tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tổ chức các chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất tiêu thụ rau an toàn như phát triển các quầy bán rau an toàn tại các chợ, siêu thị; duy trì một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ rau an toàn ở các vùng sản xuất quy mô lớn nằm xa chợ đầu mối. Đặc biệt là các địa phương cần tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp vào liên kết với nông dân, giám sát quy trình sản xuất để ký kết hợp đồng và bao tiêu sản phẩm cho họ khi vào vụ thu hoạch... Đối với các hợp tác xã vẫn phải năng động trong khâu tiếp cận thị trường, mang sản phẩm đến chào bán ở các bếp ăn tập thể với giá cả ổn định.

Thiện Tâm

Top