Tránh tình trạng ‘bắt cóc bỏ đĩa’ khi xử lý vi phạm an toàn thực phẩm
(Chinhphu.vn) - Trước tình hình vi phạm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai thường xuyên, liên tục không chỉ trong một đợt cao điểm và đặc biệt tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”.
Nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được xử lý
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và gây bức xúc cho xã hội.
Trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người. Điều này cho thấy có những vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện.
Tại Hà Nội, dù thời điểm này chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, nhưng ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), các đơn vị chức năng của Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Từ đây, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các lỗi vi phạm hoặc các biểu hiện có nguy cơ để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đơn cử tại địa bàn huyện Hoài Đức có hơn 2 nghìn cơ sở thực phẩm. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra của huyện đã kiểm tra 74 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở vi phạm.
Mới đây, Công an Thành phố Hà Nội lần theo đường dây buôn bán xúc xích không an toàn từ một hàng quán ở cổng trường học, từ đó, phát hiện 5, 6 đầu mối khác và kho hàng chứa hơn 10 tấn xúc xích không an toàn. Lực lượng chức năng đã thử nghiệm để xúc xích thu giữ được ngoài trời nắng trong 7 ngày, nhưng xúc xích không hề bị ôi thiu.
"Chúng tôi nghi sản phẩm này có sử dụng Formol (chất độc hại cấm dùng trong thực phẩm) để bảo quản. Nếu số xúc xích này được tiêu thụ hết tại các cửa hàng tạp hóa, hàng rong ở cổng các trường học thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của khách hàng", đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết.
Ngày 4/6, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội cũng phát hiện và thu giữ hơn một tấn thực phẩm không an toàn trên địa bàn quận Tây Hồ. Đây chỉ là một vài vụ trong số hàng loạt các vụ việc được các ngành chức năng phát hiện, xử lý.
Cục trưởng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng lớn nhưng số người làm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lại rất mỏng. Do đó, nếu chỉ làm theo kiểu "nay đến cửa hàng nọ, mai đến cửa hàng kia" thì chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" không thể xử lý hết được…
Ngoài ra, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp. Một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu thực tế, hiện 60% nguồn thực phẩm ở các chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Trong số hơn 500 chợ mới chỉ có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm, chiếm tỷ lệ rất thấp.
Thay đổi thói quen và tư duy sản xuất, tiêu dùng
Qua sơ kết kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong 5 tháng vừa qua và "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024," lực lượng Quản lý Thị trường Hà Nội ghi nhận bên cạnh các cơ sở kho lạnh, trung tâm thương mại, chuỗi hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị có uy tín, tổ chức bài bản, đúng quy định, vẫn còn tồn tại một số cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ... chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đại diện Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho hay, thời gian tới lực, lượng Quản lý Thị trường Hà Nội sẽ tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm về An toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường phối hợp với các phòng nghiệp vụ thuộc Công an Thành phố, công an các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc kiểm tra trong lĩnh vực này.
Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt được kết quả như mong muốn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ đến người dân; thay đổi thói quen và tư duy tiêu dùng.
Để làm được điều đó, lãnh đạo Thành phố yêu cầu tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Thành phố cần tăng cường quản lý chợ truyền thống, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống giết mổ tập trung, có chế tài xử lý nghiêm hơn với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này…
Diệu Anh