Từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, kém chất lượng

21/05/2024 4:05 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng.

Từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, kém chất lượng- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Ảnh: Internet

Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024" (từ ngày 15/4/2024 đến ngày 15/5/2024) của Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho thấy, các đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 230 vụ vi phạm liên quan về an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2,36 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xử lý buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm trị giá gần 2 tỷ đồng; bao gồm hơn 6,8 tấn thực phẩm đông lạnh.

Một số vụ việc điển hình như: Ngày 20/5, Đội QLTT số 10, Cục Quản lý thị trường phối hợp với PC 03 Công an Hà Nội và Công an huyện Mê Linh kiểm tra Kho lạnh tại địa chỉ Lô 11, khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.

Tại đây lực lượng chức năng phát hiện 11.900 kg dạ dày lợn, có nhãn chữ nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, được chứa đựng trong 1190 thùng, loại 10 kg/thùng. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chủ hàng chưa xuất trình được các hóa đơn, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên.

Đội Quản lý thị trường số 10 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 10/5, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội Quản lý Thị trường số 14 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng. Bao bì các sản phẩm lạp xưởng đều in chữ nước ngoài. Chủ số thực phẩm trên khai nhận toàn bộ hàng hóa được thu mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn, chứng từ.

Ngày 7/5, Đội Quản lý thị trường số 24 phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội tạm giữ một lượng lớn thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, bao gồm: xúc xích; cánh gà… tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thôn Quyết Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 Thành phố (do Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội chủ trì) đã đã tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 tại 8/8 quận, huyện; phối hợp Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Phú Xuyên, Long Biên, Gia Lâm, Phú Xuyên kiểm tra 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm và tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Kết quả, Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 thành phố đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản chuyển dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm đến Chủ tịch, Trưởng ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm quận: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Phú Xuyên, Sóc Sơn tiếp nhận, giám sát xử lý đối với 4 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm không bảo đảm yêu cầu, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Qua sơ kết kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024 và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, ghi nhận Hà Nội vẫn còn tồn tại một số cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, do số lượng các sơ sở có xu hướng gia tăng nên nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm từ các cơ sở này ngày càng cao và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, dự báo tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2024 còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng nói chung trong đó có hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra các sự cố liên quan thực phẩm do tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, nhập lậu.

Việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rượu thủ công không có giấy phép còn nhiều bất cập, khó kiểm soát…

Trong thời gian tới, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thực phẩm, kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Diệu Anh

Top