Từng bước khai thác hiệu quả phương diện kinh tế của di sản
(Chinhphu.vn) - Với thế mạnh về hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, nhiều địa phương tại Hà Nội đang đẩy mạnh quảng bá di sản, đổi mới công tác quản lý nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, từng bước khai thác hiệu quả phương diện kinh tế của di sản.
Mỹ Đức phấn đấu cơ cấu dịch vụ-du lịch đến năm 2025 đạt 45,4%
Là huyện ngoại thành của Hà Nội, huyện Mỹ Đức được thiên nhiên ưu ái ban tặng Quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) gồm hệ thống đình, đền, chùa, hang, động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn. Hàng năm quần thể Hương Sơn đón từ 1,3 đến 1,5 triệu du khách, ước tính thu về khoảng 600 đến 900 tỷ đồng.
Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt, huyện Mỹ Đức đã gắn với phát triển Du lịch văn hóa trên địa bàn tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể, đưa ra 3 khâu đột phá với mục tiêu: "Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đổi mới công tác quản lý phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp".
Bên cạnh đó, ban hành các chương trình, đề án để tập trung khai thác, phát huy những lợi thế phát triển văn hoá du lịch trên địa bàn huyện, như chương trình về đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp là nền tảng; du lịch , dịch vụ là mũi nhọn trên địa bàn huyện Mỹ Đức giai đoạn 2021-2025; xây dựng đề án về đổi mới nâng cao chất lượng quản lý phục vụ du lịch tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái giai đoạn 2021-2025.
Trong đó đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025 đón 2 triệu lượt khách/năm, trong đó 50.000 lượt khách quốc tế; năm 2030 đón 4 triệu lượt khách/năm; giá trị sản xuất du lịch - dịch vụ tăng bình quân 10 - 15%/năm; cơ cấu kinh tế ngành du lịch - dịch vụ chiếm khoảng 45,4%; doanh thu từ dịch vụ - du lịch đến năm 2025 là từ 1.500 tỷ đồng đến 2.500 tỷ đồng; hàng năm giải quyết khoảng 5.500 việc làm phục vụ trong lĩnh vực du lịch…
Cùng với đó, Huyện Mỹ Đức đã xây dựng quy hoạch các khu du lịch cụ thể như: du lịch văn hoá và cảnh quan Hương Sơn với diện tích trên 3.958 ha; khu du lịch sinh thái tổng hợp Hồ Quan Sơn quy mô khoảng 1.465 ha; khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai quy mô khoảng 1.360 ha; trung tâm Festival Hoa Sen tại An Phú khoảng 237 ha…
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, huyện Mỹ Đức sẽ phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) gắn với phát triển Du lịch văn hóa.
Cụ thể, huyện sẽ chủ động để sớm có phương án xây dựng quy hoạch tổng thể khu Di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương); lập Quy hoạch xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) để làm cơ sở lập các dự án đầu tư, thuận lợi cho việc quản lý quy hoạch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án, từng bước chuyển đổi hình thức quản lý ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Huyện cũng nghiên cứu lập đề án đổi mới quản lý khu Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn để phát huy hiệu quả của giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Trước mắt, Huyện ủy Mỹ Đức sẽ chỉ đạo rà soát, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông trong huyện và trong khu di tích, mở rộng và đổi mới cách quản lý vận hành các bến bãi gửi xe; sắp xếp lại mặt bằng các hàng quán trong khu di tích; đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Ban quản lý khu di tích đáp ứng yêu cầu hướng dẫn viên du lịch.
Huyện đang tập trung phát triển các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ chất lượng cao; phát triển các sản phẩm là đặc sản địa phương theo hướng đạt tiêu chuẩn OCOP như: cây mơ và các sản phẩm chế biến từ quả mơ, phát triển cây rau sắng, củ mài và các sản phẩm chế biến từ rau sắng, củ mài…
Đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển Rừng trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt; Đẩy mạnh phát triển các khu du lịch Quan Sơn, Du lịch Hồ Tuy Lai, Du lịch Đầm Sen An Phú để kết nối đồng bộ với khu di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương.
Sơn Tây phát huy giá trị di sản văn hóa
Thị xã Sơn Tây vốn là trung tâm kinh tế, văn hóa của xứ Đoài, nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội đặc trưng của vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ.
Tuy diện tích nhỏ nhưng Sơn Tây có mật độ di tích lịch sử - văn hóa dày đặc với 244 di tích, trong đó 80 di tích đã xếp hạng, 78 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt, di tích Làng cổ ở Đường Lâm là Làng cổ đầu tiên của đất nước được công nhận là di tích cấp Quốc gia, lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Có 99 đạo sắc phong được UBND thành phố công nhận. Rặng duối cổ ở Đường Lâm và 85 cây Lim cổ thụ ở đền Và được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Với hệ thống di sản văn hoá đa dạng, phong phú cùng với tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn thị xã là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng, thế mạnh để thị xã Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp văn hoá nói riêng.
Ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết về công nghiệp văn hóa, thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương để phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển đô thị, từng bước khai thác hiệu quả phương diện kinh tế của di sản, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa Sơn Tây gắn với phát triển du lịch như "Hành trình di sản", "Về Sơn Tây - Về miền di sản", "Xứ Đoài miền đất đá ong"… nhằm quảng bá tới đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa của thị xã.
Sơn Tây chú trọng đến việc xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của thị xã như: Thành cổ - đền Và - Làng cổ ở Đường Lâm - chùa Khai Nguyên - đền Măng - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - khu du lịch Đồng Mô gắn với các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng; kết nối với các khu du lịch thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và tỉnh Vĩnh Phúc. Hoạt động của tuyến phố đi bộ Sơn Tây đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng không gian sáng tạo, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các huyện, thị xã xứ Đoài xưa.
Thị xã Sơn Tây được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh trong tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đang xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó chú ý đến lợi ích của cộng đồng, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sơn Tây cũng chú trọng hơn nữa yếu tố bảo tồn di sản văn hóa trong công tác quy hoạch đô thị của thị xã, tạo dựng cảnh quan phù hợp, góp phần làm tăng giá trị và tạo điểm nhấn cho các địa phương có di sản văn hóa.
Đặc biệt, thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, xây dựng các không gian văn hóa bằng công nghệ 3D, chiếu sáng nghệ thuật giới thiệu về các di tích, thân thế sự nghiệp của anh hùng dân tộc, lễ hội… qua đó lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Thị xã cũng ưu tiên phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch theo hướng bền vững, phục hồi, giữ gìn các giá trị truyền thống và khơi dậy tinh thần sáng tạo, tạo việc làm, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.
Gia Huy