Ứng xử văn hóa, chuẩn mực từ nêu gương của người đứng đầu
(Chinhphu.vn) - Qua hơn 6 năm qua việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử tại địa bàn Hà Nội đã góp phần định hướng cho cán bộ các chuẩn mực văn hóa công sở trong nội bộ các cơ quan và trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân.

Nhiều đơn vị triển khai thi đua thực hiện văn hóa công sở gắn với cải cách hành chính - Ảnh: VGP
Người đứng đầu gương mẫu trong thực hiện kỷ cương
Một trong những kinh nghiệm, cách làm hay được quận Ba Đình chia sẻ là: "Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng".
Quận Ba Đình đã chú trọng công tác đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cụ thể là nêu gương đối với các đồng chí lãnh đạo cấp quận, cấp phường, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng những nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp.
Quận đã thành lập các nhóm Zalo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để chỉ đạo trực tiếp công việc chuyên môn như: Nhóm Bí thư các phường; Chủ tịch các phường; Phó Chủ tịch các phường… Nhờ đó, các công việc được triển khai kịp thời, hiệu quả. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sẽ dễ dàng nắm bắt công việc hàng ngày để giao việc cho các bộ phận chuyên môn, từ đó linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành ở từng thời điểm, đưa ra những quyết định phù hợp, khả thi, hiệu quả, truyền cảm hứng và động lực cho cấp dưới.
Lãnh đạo Quận cũng quán triệt đến người đứng đầu các cơ quan, đơn vị việc họp đầy đủ, đúng giờ, thực hiện kỷ cương trong tham dự hội họp. Nghiêm túc phê bình nhắc nhở ngay tại hội nghị (hoặc có văn bản phê bình) người đứng đầu sau hội nghị. Ngoài ra, quận xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm thi đua giữa các đơn vị cuối năm.
Người đứng đầu các cơ quan đơn vị thường xuyên bao quát, quản lý chặt chẽ quá trình thực thi nhiệm vụ của các bộ phận chuyên môn, để từ đó kịp thời chấn chỉnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu có các hành vi gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc.
Văn hóa công sở gắn với cải cách hành chính
Tại quận Bắc Từ Liêm, thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng đã mang lại kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, tạo dần sự đổi mới trong phong cách làm việc "hết việc chứ không hết giờ"; không để lỡ việc của người dân và tổ chức; tiếp tục xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh công sở.
Việc đánh giá kết quả công việc hàng tháng đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người lao động quận Bắc Từ Liêm về cả 2 tiêu chí: Tiến độ thời gian và chất lượng tham mưu giải quyết công việc. Tỷ lệ giải quyết Hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn luôn đạt trên 99%; Thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo đúng chỉ đạo của Thành phố: Tỷ lệ nộp trực tuyến cấp quận và cấp phường đạt 100%, trong đó tỷ lệ hồ sơ công dân nộp tại nhà luôn đạt từ 94%- 100%.
Quận Đống Đa thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng gắn với phong trào thi đua trong công tác cải cách hành chính của quận, gắn trách nhiệm triển khai của từng ngành, từng đơn vị, qua đó đã tạo sức lan tỏa lớn và có nhiều đề xuất, mô hình, sáng kiến, giải pháp được công nhận, vận dụng đem lại hiệu quả cao.
Quận đã triển khai áp dụng biên lai điện tử thay cho việc sử dụng biên lai giấy tại bộ phận Một cửa, đây là sáng kiến, giải pháp, ý tưởng mới trong công tác cải cách hành chính của Quận. Sau thời gian triển khai chính thức, giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, thuận lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức. Tiếp tục đẩy mạnh, áp dụng, nhân rộng mô hình Thủ tục hành chính "không chờ" tại 21 phường được đông đảo người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Còn huyện Đan Phượng xây dựng 7 mô hình văn hóa tiêu biểu như: Mô hình Bộ phận Một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; Mô hình Trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; Nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch; Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; Mô hình cơ quan văn hóa, ứng xử hay, nói lời đẹp; mô hình Công chức 22 Bộ phận Một cửa hiện đại.
Mô hình điểm thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện và nhân rộng tại các xã, thị trấn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ; thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử.
Vẫn còn tính hình thức, hiệu quả chưa cao
Trong tọa đàm được tổ chức gần đây về "Kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng", Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định, về tổng thể, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Thành phố tới cơ sở ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm…
Huyện Ba Vì chia sẻ, việc triển khai 2 Bộ Quy tắc ứng xử vẫn còn một số tồn tại: Quá trình triển khai thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa tuân thủ quy tắc như không đeo thẻ trong giờ hành chính, chưa chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc…
Vì vậy, hàng tháng, trong buổi sinh hoạt chi bộ, giao ban chuyên môn của phòng, ban, đơn vị thuộc huyện có đánh giá kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử. Nghiêm túc, kịp thời nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh và có hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và thường xuyên tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.
Quận Cầu Giấy cho biết, quá trình triển khai thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa tuân thủ quy tắc như: Không đeo thẻ công chức trong giờ làm việc; trang phục chưa phù hợp; chưa chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc; làm việc riêng trong giờ hành chính… Chất lượng công việc của một vài công chức, viên chức tham mưu cho lãnh đạo có lúc, có việc chưa cao…
Quận đã yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần gương mẫu thực hiện Quy chế dân chủ và văn hóa công sở, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ trong thực hiện quy tắc ứng xử và văn hóa công sở. Quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công chức.
Đặc biệt, lãnh đạo cần chú trọng đến việc phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tạo điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Tạo môi trường làm việc thoải mái, hài hoà; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân xuất sắc trong thực thi công vụ.
Huyện Đông Anh cũng chia sẻ, ột số nơi quy định lề lối làm việc còn thiếu khoa học, hiệu quả xử lý, giải quyết công việc còn hạn chế, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm trong thực hiện Văn hóa công vụ và Quy tắc ứng xử còn nể nang, duy tình. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm tới việc duy trì, kiểm tra kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử tại cơ quan, đơn vị.
Vì vậy, Đông Anh sẽ chú trọng tuyên truyền, kịp thời chỉ đạo, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc trong giao tiếp, ứng xử, hình thành những nét đẹp, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong đời sống cộng đồng, góp phần tích cực và sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Hòa An