Vận tải hành khách công cộng Hà Nội khởi sắc
(Chinhphu.vn) - Dịch bệnh COVID-19 đã dần được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân trên đà tăng trở lại, đặc biệt trong các kỳ nghỉ lễ vừa qua. Đây là dấu hiệu tích cực để hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) ở Hà Nội "vực" dậy sau thời gian dài hoạt động cầm chừng.
VTHK bằng xe buýt và đường sắt đô thị liên tục tăng
Vận hành và khai thác một trong những loại hình VTHKCC văn minh và hiện đại nhất hiện nay. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông tăng đột biến. Riêng ngày 1/5, đã có trên 53.000 khách đến trải nghiệm, đây là "con số kỷ lục" cao nhất từ khi tuyến 2A chính thức đi vào khai thác thương mại, vận chuyển hành khách có thu phí. Trước đó, dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/4), tàu Cát Linh - Hà Đông cũng đã vận chuyển gần 50.000 khách, mùng 5 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vận chuyển 42.540 khách.
Tính chung về sản lượng VTHKCC bằng xe buýt và đường sắt đô thị, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết: 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng đạt 48,1 triệu lượt. Trong đó, xe buýt đạt 46,1 triệu lượt, đường sắt đô thị 2A đạt 1,9 triệu lượt. Sản lượng xe buýt liên tục tăng lên qua các tháng, sản lượng xe buýt tháng 2 tăng 94,6% so với tháng 1, sản lượng xe buýt tháng 3 tăng 38,8% so với tháng 2, sản lượng xe buýt tháng 4 tăng 49,7% so với tháng 3. Đặc biệt sản lượng khách đi lại thường xuyên (khách vé tháng) tăng liên tục tăng, sản lượng tem vé tháng tháng 4 tăng 68,6% so với tháng 3, sản lượng tem vé tháng tháng 3 tăng 33,2% so với tháng 2.
"Đáng chú ý, sau hơn 4 tháng đi vào vận hành, các tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn Hà Nội cũng đã hoạt động ổn định. Sản lượng hành khách có xu hướng tăng dần, bình quân 16-20 hành khách/lượt. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng khá cao, bình quân đạt trên 107 hành khách/tháng/tuyến" - ông Thái Hồ Phương cho hay.
Lý giải về tín hiệu tốt đẹp trên, theo ông Phương là do tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát và giảm mạnh, các hoạt động kinh tế xã hội được trở lại bình thường, trong đó có việc học sinh, sinh viên đi học trực tiếp đã dẫn đến nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng theo đó cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua đã được cải thiện (tăng số lượng tuyến, tăng số lượng phương tiện, mở rộng vùng phục vụ…). Đặc biệt, Hà Nội có thêm loại hình xe buýt điện chất lượng cao qua đó thu hút thêm người dân sử dụng dịch vụ; loại hình vận tải công cộng bằng đường sắt đô thị cũng dần khẳng định được tính ưu việt bởi tốc độ, thời gian chuyến đi được bảo đảm qua đó thu hút được một lượng lớn hành khách đi lại thường xuyên.
Ông Thái Hồ Phương cũng lý giải thêm, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua dẫn đến chi phí đi lại bằng phương tiện cá nhân của người dân tăng theo. Do đó, một bộ phận người dân đã chuyển sang đi bằng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí đi lại.
Để người dân dần thay đổi thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng trong thời gian tới, theo ông Thái Hồ Phương, Thành phố cần tiếp tục tuyên truyền những lợi ích thiết thực của VTHKCC đối với người dân để người dân hiểu và sử dụng; tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Hà Nội như chính sách giảm giá vé, đi xe buýt miễn phí,… Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC để thu hút người dân sử dụng như: mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, đầu tư thay thế dần các phương tiện sử dụng dầu Diezel sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Còn theo Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường, sau hơn 6 tháng khai thác thương mại, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành ổn định theo đúng kế hoạch. Các vấn đề phát sinh đã được kịp thời xử lý, không làm ảnh hưởng tới biểu đồ hoạt động của tuyến. Đáng chú ý, metro đang góp phần đổi mới thói quen đi lại của người dân Thủ đô.
Tổng Giám đốc Hanoi Metro hi vọng, với sự khởi đầu tốt đẹp đó, tới đây, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ còn tiếp tục phát huy sứ mệnh của mình. Từ đó, cũng "tạo sức ép" để TP Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư và sớm đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo, theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tại Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco), ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, quý I/2022 vừa qua, các lĩnh vực của Tổng công ty vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xe buýt giảm 50% tần suất, khôi phục 100% tần suất và rồi lại cắt giảm 15% tần suất. Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao song có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân do ngại tiếp xúc công cộng khiến khó đạt được chỉ tiêu doanh thu bán vé theo hợp đồng thầu. Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban điều hành Tổng Công ty, các đơn vị đã từng bước khắc phục để vượt qua khó khăn, trong đầu quý II, đã khơi dậy lại các nội lực để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Trong quý II năm 2022, Transerco sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện tốt chất lượng dịch vụ hoạt động VTHKCC trong tình hình mới, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản điều chỉnh dịch vụ phù hợp với diễn biến tình hình, đảm bảo công tác phân công lao động, tổ chức sản xuất hiệu quả tại các đơn vị. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển xe buýt năm 2022 và các năm sau theo để hoàn thành chỉ tiêu phát triển VTHKCC theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã đề ra.
"Transerco cũng sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu, đề xuất chiến lược vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở triển khai kế hoạch phát triển xe buýt của Tổng công ty đến năm 2030" - ông Nguyễn Thanh Nam nhấn mạnh.
Minh Anh