Vận tải Thủ đô kỳ vọng 'bệ phóng' chính sách chuyển đổi xanh hóa

13/05/2025 12:25 PM

(Chinhphu.vn) - Chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu, nhưng để doanh nghiệp vận tải không bị “đuối sức” trên hành trình xanh hóa, cần một hệ sinh thái chính sách thực chất, đồng bộ và kịp thời… Đó là thông điệp mà cộng đồng doanh nghiệp vận tải tại Thủ đô mong muốn gửi tới các nhà hoạch định chính sách.

Vận tải Thủ đô kỳ vọng 'bệ phóng' chính sách chuyển đổi xanh hóa- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng trao đổi cùng phóng viên về kỳ vọng, mong mỏi của doanh nghiệp vận tải Hà Nội trong việc chuyển đổi xanh hóa - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng nhận định, nếu các cơ chế chính sách được triển khai đúng nhịp, đủ lực và sát thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng và Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, thì chỉ trong 3 đến 5 năm tới, bức tranh kinh tế tư nhân ngành vận tải của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng sẽ khởi sắc mạnh mẽ.

Xanh hóa giao thông không còn là khẩu hiệu

Theo ông Hùng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều bước đi bài bản để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông, từ việc ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan, cho đến chỉ đạo các tỉnh, thành đặc biệt là TP Hà Nội đã xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi chuyển đổi phương tiện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện.

Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 đã mở rộng quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành chính sách đặc thù nhằm cải thiện chất lượng không khí. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, thành phố sẽ thí điểm vùng phát thải thấp tại một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình với các quy định mạnh như: cấm xe tải hạng nặng chạy dầu diesel, hạn chế ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy không đạt mức 2 lưu thông theo giờ hoặc khu vực.

Hà Nội cũng sẽ xem xét hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp sinh sống, hoạt động tại vùng phát thải thấp trong quá trình chuyển đổi phương tiện, đây được xem là một tín hiệu tích cực mà cộng đồng vận tải rất quan tâm.

Số liệu từ Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội vận tải Hà Nội cho thấy, thành phố từng đạt 23.000 xe vào đầu năm 2020 nhưng đã giảm sâu 40% sau hai năm đại dịch, chỉ còn khoảng 14.000 xe. Đến nay, dù có dấu hiệu phục hồi, số xe thực tế hoạt động cũng mới đạt khoảng 19.000, nhiều hãng vẫn loay hoay vượt khó. Việc chuyển đổi sang taxi điện đã được một số đơn vị như Mai Linh, Thanh Nga, Bắc Á, Quê Lụa, Long Biên tiên phong triển khai, song quy mô còn khiêm tốn, chủ yếu thông qua hình thức thuê hoặc mua xe VinFast.

"Tam giác hỗ trợ" để bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh

Dù ghi nhận nỗ lực và quyết tâm chính trị rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp vận tải vẫn không giấu được lo ngại khi chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, nhưng nếu không có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh, sẽ trở thành "gánh nặng" với gần 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Hùng phân tích: "Hiện nay, chi phí đầu tư một chiếc xe điện như VF5 đã lên tới hơn 500 triệu đồng, chưa kể phải đầu tư thêm trạm sạc. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống trạm sạc công cộng chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố, rất khó triển khai ở các huyện hay vùng ven đô".

Vận tải Thủ đô kỳ vọng 'bệ phóng' chính sách chuyển đổi xanh hóa- Ảnh 2.

Thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp nhằm cải thiện môi trường - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Tái khẳng định quan điểm "ngành vận tải là xương sống của nền kinh tế", ông Hùng cho rằng để doanh nghiệp vững tâm chuyển đổi, ngoài định hướng chính sách, Chính phủ cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng, và có các gói tín dụng xanh ưu đãi.

Đại diện đơn vị vận tải cũng chỉ rõ, trong đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, ngành vận tải - logistics Việt Nam đã chứng minh vai trò huyết mạch khi bảo đảm lưu thông hàng hóa xuyên suốt. Khi Chính phủ xác định ngành này là trụ cột kinh tế, thì quá trình chuyển đổi cũng cần đi kèm cơ chế đặc thù, ưu tiên tương xứng.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất một "tam giác hỗ trợ" để bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh diễn ra hiệu quả gồm:

Hỗ trợ tài chính thực chất với chính sách miễn/giảm lệ phí trước bạ cho xe điện và xe hybrid trong giai đoạn đầu. Ưu đãi tín dụng xanh cho vay vốn với lãi suất thấp cho doanh nghiệp đổi mới phương tiện và khoanh/giãn nợ thuế đối với doanh nghiệp đang đầu tư xe xanh.

Tiếp đó là đồng bộ hạ tầng, đẩy nhanh quy hoạch và xây dựng trạm sạc tại bến xe, trung tâm logistics, khu công nghiệp. Cho phép doanh nghiệp đầu tư trạm sạc tư nhân với cơ chế khuyến khích cụ thể và ưu tiên quỹ đất cho hạ tầng hỗ trợ xe điện.

Cuối cùng là hoàn thiện thể chế, quy chuẩn công nhận xe hybrid là phương tiện thân thiện môi trường và được hưởng ưu đãi tương đương xe điện. Xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật riêng cho phương tiện xanh, tránh áp dụng máy móc tiêu chuẩn của xe truyền thống. Thiết lập cơ chế thí điểm "vùng khuyến khích sử dụng phương tiện sạch", không chỉ tập trung tại khu vực trung tâm.

Theo ông Hùng, xe hybrid có thể chạy hoàn toàn bằng điện ở tốc độ thấp, phù hợp với điều kiện giao thông nội đô. Quan trọng hơn, loại xe này không phụ thuộc vào trạm sạc, không đòi hỏi hạ tầng đồng bộ ngay lập tức. Đây là bước trung gian hợp lý trong giai đoạn đầu của tiến trình chuyển đổi xanh.

Khi hạ tầng trạm sạc chưa đáp ứng kịp tốc độ chuyển đổi, nhiều doanh nghiệp đề xuất cần công nhận xe hybrid là phương tiện xanh và được hưởng các ưu đãi tương đương xe điện. Việc công nhận xe hybrid là phương tiện thân thiện môi trường và miễn thuế trước bạ có thể tạo "cú hích" mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp từng bước chuyển đổi, thay vì phải "nhảy vọt" sang xe điện hoàn toàn trong khi chưa đủ tiềm lực.

Ông Hùng cũng ví dụ từ Trung Quốc, nơi Chính phủ hỗ trợ tới 70% giá trị khi doanh nghiệp thay xe chạy xăng dầu bằng xe điện mới.

"Ở Việt Nam, nếu chỉ định hướng mà không có chính sách đồng hành đủ mạnh, các doanh nghiệp sẽ bị 'ngợp' vì chi phí, thậm chí không dám tái đầu tư", đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ.

Nhấn mạnh về nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Hùng cho rằng đây là kim chỉ nam cho phát triển kinh tế tư nhân và định hướng chuyển đổi xanh bền vững không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác. Nhưng để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần cơ chế cụ thể 'đủ lâu, đủ dài và đủ ngấm' để có thể thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Với vai trò là địa phương đầu tiên triển khai vùng phát thải thấp và có nền kinh tế dẫn đầu cả nước, Hà Nội chính là nơi thử nghiệm lý tưởng cho các mô hình chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh. Thành công tại Thủ đô sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy các địa phương khác cùng vào cuộc.

Doanh nghiệp vận tải kỳ vọng, từ các nghị quyết, luật và chiến lược quốc gia, Chính phủ sẽ nhanh chóng ban hành các thông tư hướng dẫn, gói hỗ trợ cụ thể và khung thời gian thực thi rõ ràng để chuyển đổi xanh không còn là một viễn cảnh xa vời, mà trở thành một tiến trình có thể đo đếm được, ngay trong từng bánh xe đang lăn bánh mỗi ngày trên đường phố Hà Nội.

Nguyễn Văn Hiền

Top