Xây dựng, cải tạo chợ: Cần các giải pháp đồng bộ

28/03/2022 5:04 PM

(Chinhphu.vn) - Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chợ cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện ở tốt hơn cho một bộ phận người dân và dần tạo một bộ mặt đô thị mới văn minh, hiện đại. Song vấn đề là cần có giải pháp đồng bộ; từ xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư đến kêu gọi sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương.

Xây dựng, cải tạo chợ: Cần các giải pháp đồng bộ - Ảnh 1.

Cần có những giải pháp đồng bộ để xây dựng chợ tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Dù ở trung tâm của Hà Nội nhưng các chợ đầu mối như: Long Biên, Minh Khai, Xuân La… tồn tại hết sức lộn xộn. Ít quầy sạp được kê cao, số còn lại là hàng rong bày bán thực phẩm dưới nền đất trải nilông hoặc tấm ván. Những chợ này, quầy thức ăn chín, sống lẫn lộn càng nhếch nhác hơn.

Thậm chí, có những chợ cùng các hộ dân xung quanh sử dụng chung hệ thống thoát nước làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do hệ thống thoát nước của chợ không tốt nên chỉ sau trận mưa, một số gian hàng đã bị ngập trong nước…

Thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng, phương án quy mô xây dựng chợ.

Có thể thấy, chợ Hà Nội không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội. Nói cách khác, chợ không chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa bán lẻ, mà còn là nơi gặp gỡ thể hiện bản sắc văn hóa đô thị Thăng Long.

Chợ luôn là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, sau một thời kỳ tương đối rộ lên việc đầu tư xã hội hóa chợ thì thời gian gần đây đang có sự trầm lắng nhất định. Nguyên nhân được cho là bởi số lượng chợ trong nội thành không nhiều, quy hoạch thì cũng khó bổ sung do diện tích hạn hẹp.

Thực tiễn một số dự án chợ được cải tạo không hiệu quả, gây ra tranh chấp, dẫn đến những vấn đề không được như kỳ vọng với cả quản lý nhà nước, chủ đầu tư, đến các thương nhân trong chợ và người tiêu dùng. 

Một số chợ đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ nhiều năm nay như chợ Ngã Tư Sở, chợ Châu Long, chợ Xuân La,… nhưng các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án quá chậm, mô hình chợ, quy mô đầu tư không phù hợp, không còn chợ truyền thống bảo đảm nhu cầu kinh doanh của các hộ và không thuận tiện cho việc mua sắm của người dân nên không bảo đảm tính khả thi.

Ngoài ra, mục tiêu xây dựng, sửa chữa chợ chưa được rõ ràng, đặc biệt là sự xung đột lợi ích giữa chợ truyền thống với chợ phục vụ người dân và quản lý nhà nước với mục tiêu của nhà đầu tư biến chợ thành một nơi vừa là trung tâm thương mại, vừa là nhà ở, khu dân cư…

Quan trọng là cơ chế

Theo Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cơ sở hạ tầng chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội đã ở mức "báo động" nhưng để kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cải tạo, xây mới đòi hỏi cơ quan quản lý phải lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển, không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh chợ ở Hà Nội không khó, do lợi ích của việc này rất rõ ràng, chỉ quan trọng là cơ chế. "Để giải quyết những vấn đề này, theo tôi Thành phố cần có những đánh giá tổng quát, đầy đủ hơn, cập nhật hơn", ông Phong nói.

Ông Phong cho rằng, về tổng thể nên điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng đưa ra các danh mục ổn định, danh mục cần cải tạo, danh mục cần cải tạo gấp và các công năng, mục tiêu của chợ phải được xác định rõ ràng.

Cùng với đó, cần thực hiện công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ bao gồm: Vị trí, diện tích, công năng, quy hoạch xây dựng, các mục đích sử dụng, quy chế, cơ chế đầu tư, các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan, đặc biệt là tổ chức đấu thầu. Tất cả những điều đó sẽ góp phần tạo sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất, cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích.

Và để thu hút hơn nữa cần có thêm những cơ chế hỗ trợ như: Nhà nước, địa phương cần đứng ra giải phóng mặt bằng (nếu dự án thuần túy là chợ truyền thống) vì đây là những dự án đầu tư công để bảo đảm giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Còn nếu chợ gắn với nhà ở thì cần rõ ràng trong việc người nào được vào ở, những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gắn với hoạt động, chi phí, cơ chế vận hành chợ.

Một điểm nữa rất quan trọng là phân phối những ki ốt, nói cách khác là đưa người vào hoạt động trong chợ như thế nào. Đây là điểm mấu chốt mà Hà Nội xây dựng rất nhiều chợ nhưng không thành công.

Cuối cùng, cần có sự phối hợp liên ngành để tránh sự xung đột về cả mục tiêu, lợi ích và cơ chế quản lý…

Thùy Linh

Top