Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu dùng

06/04/2023 2:32 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức xây dựng và kết nối nhiều chuỗi liên kết, cung ứng trong sản xuất và tiêu dùng. Các chuỗi liên kết, cung ứng này được phân chia thành các lĩnh vực sản xuất, thương mại, qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức cho các đơn vị sản xuất và phân phối.

Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu dùng - Ảnh 1.

Khách hàng mua sản phẩm làm từ mây tre đan, thân thiện với môi trường. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Huyện Chương Mỹ, Hà nội có 35 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là làng nghề mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Theo ước tính, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2019 trên địa bàn huyện đạt 8.790 tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ, cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia tăng còn đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm nhấn mạnh, việc Sở Công Thương thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững , trong đó có ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ góp phần bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

Thông qua đó, kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cùng chung tay, góp sức hình thành liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng. Đồng thời, hướng người tiêu dùng tới lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, sản xuất từ các công nghệ thân thiện với môi trường.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực: Mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Nhằm giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế một cách bền vững, thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã giúp khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này trên địa bàn Hà Nội cũng gặp nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là vấn đề vốn và công nghệ. Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp thường phải đầu tư lớn.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, thói quen sử dụng, tiêu dùng của mỗi người dân cũng chưa hướng đến một nền sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương Hà Nội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế. Ðồng thời, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Diệu Anh

Top