Xem xét tháo dỡ toàn bộ hàng rào công viên Thống Nhất

14/06/2023 4:50 PM

(Chinhphu.vn) - Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, giải pháp quản lý phù hợp, TP. Hà Nội sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hàng rào công viên Thống Nhất và các công viên trên địa bàn.

Xem xét tháo dỡ toàn bộ hàng rào công viên Thống Nhất - Ảnh 1.

Công viên Thống Nhất là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50 ha. Công viên nằm giữa 4 phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu, có rất nhiều lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông. Ảnh: Thùy Chi

UBND TP. Hà Nội vừa trả lời kiến nghị của cử tri về việc sớm dỡ bỏ các hàng rào bao quanh công viên nhằm tạo sự thuận tiện, thân thiện hơn cho người dân tiếp cận.

Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay, các công viên có hàng rào nhằm bảo đảm an ninh, trật tự. Các vườn hoa cơ bản không có hàng rào hoặc hàng rào thấp.

Cuối năm 2022, TP. Hà Nội đã thí điểm tháo dỡ hàng rào công viên Thống Nhất, phía đường Trần Nhân Tông (Quận Hai Bà Trưng) làm cơ sở triển khai trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, giải pháp quản lý phù hợp, cơ quan chức năng sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hàng rào công viên Thống Nhất và các công viên có chức năng tương tự trong thời gian tới.

Đối với một số công viên có tính đặc thù như vườn thú Hà Nội (còn gọi là công viên Thủ Lệ)..., để bảo đảm an toàn, bảo vệ động vật, thành phố sẽ rà soát, cân nhắc khu vực đủ điều kiện mới hạ hàng rào, bảo đảm hài hòa cảnh quan.

Đối với kiến nghị của cử tri về việc di chuyển các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, sự kiện... ra khỏi công viên, UBND TP. Hà Nội cho biết hiện nay, một số công viên do Nhà nước đầu tư xây dựng, bao gồm công trình có chức năng dịch vụ tiện ích phục vụ người dân. Trong quá trình vận hành, nếu đơn vị quản lý nhận tổ chức tiệc cưới, sự kiện không đúng chức năng sử dụng, thành phố yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, thành phố đang chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, rà soát, đề xuất cơ chế nhằm thu hút huy động nguồn lực xã hội để tham gia xây dựng và quản lý các công viên. Sở Xây dựng đã đề xuất chính sách và đang xin ý kiến lần 2 của các cơ quan.

UBND thành phố cũng đã có quyết định giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp công viên gồm Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất bằng nguồn vốn đầu tư công; yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp giữa năm 2023.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có (trong tổng số 63); đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công viên Chu Văn An (dự án 2 - công trình kiến trúc), công viên CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên Văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, giải trình với cử tri, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố rất quan tâm đến đầu tư hạ tầng phục vụ nhân dân trong các khu đô thị nói riêng và trên địa bàn toàn thành phố. Dự kiến trong năm 2023, thành phố sẽ sớm tìm mô hình, kêu gọi đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống công viên cây xanh để người dân được hưởng lợi.

Đến tháng 12/2022, lực lượng chức năng đã dỡ hàng rào ở khu vực tuyến đường Trần Nhân Tông với chiều dài 396m, gồm 29 trụ bê tông và 62 khoang trụ thép trở thành không gian mở đối với người dân.

Công viên Thống Nhất là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50 ha. Công viên nằm giữa 4 phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu, có rất nhiều lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông.

Thùy Chi

Top