Xứ Đoài-Vùng địa linh nhân kiệt

31/05/2022 3:07 PM

(Chinhphu.vn) - Lấy kinh đô Thăng Long làm trung tâm thì vùng đất phía tây kinh thành là xứ Đoài. Xứ Đoài nay đã trở thành một địa danh văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt mang khí thiêng sông núi, mang đầy dấu ấn, giàu bản sắc và có sức sống mãnh liệt.

Xứ Đoài-Vùng địa linh nhân kiệt - Ảnh 1.

Di tích chùa Thầy, xứ Đoài. Ảnh: VGP/Thành Nam

"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Trời xanh không thấy đỉnh Ba Vì"…

Những câu thơ của Quang Dũng, thi nhân tài hoa của xứ Đoài mây trắng, hào sảng mà kiêu hùng, đượm chất cổ thi... cứ vương vấn trong lòng mỗi người khi bước chân đến nơi đây.

Xứ Đoài là vùng đất Sơn Tây cổ có bề dày lịch sử bắt nguồn từ thời Hùng Vương, tục còn gọi là trấn Đoài hay trấn Tây, một trong tứ trấn Thăng Long xưa. Đây là cái nôi của nền văn minh Việt cổ và cũng là nơi các vua Hùng lập quốc và xây dựng kinh đô Phong Châu.

Xứ Đoài còn là vùng đất văn vật với nhiều hiền tài có những đóng góp to lớn cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, quê hương của những danh nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Khuất Duy Tiến… Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, xứ Đoài đã đóng góp hàng trăm nhà khoa bảng nổi danh, được khắc tên trên bia đá Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Nhiều tư liệu lịch sử và khảo cổ cho thấy, xứ Đoài là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Nét đặc sắc của văn hóa xứ Đoài còn thể hiện ở hàng loạt các di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội đền Và (Đông Cung), một lễ hội linh thiêng tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nói tới xứ Đoài, người ta không chỉ nhắc tới quê hương của nhiều làng nghề nổi tiếng như gấm và lụa vân Vạn Phúc; Lụa, the, lĩnh La Khê; Tiện gỗ Nhị Khê; Thợ nề thợ mộc làng Chàng; Thợ đá ở Hoàng Xá... mà còn nhắc tới đất của những điệu dân ca, nghi lễ dân gian như hát dô (huyện Quốc Oai), chèo tàu (Đan Phượng), múa sênh tiền (huyện Phú Xuyên), trống quân (Thường Tín), phường rối Tế Tiêu, Thạch Xá, Chàng Sơn. Sôi nổi hơn nữa là hội hát chèo tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), gắn với tục thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử...

Với vị thế là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô - Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long-Hà Nội, tiếp nhận những yếu tố mới, nét đẹp văn hóa từ kinh đô Thăng Long-Hà Nội để làm phong phú hơn bản sắc của riêng mình.

GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho hay, xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam. Có thể coi đây là không gian cô đọng của văn hóa Việt Nam; đồng thời có nhiều nét đặc sắc riêng, là kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa Việt Nam. Do đó, việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài cần tiếp tục đi vào chiều sâu.

Xứ Đoài-Vùng địa linh nhân kiệt - Ảnh 3.

Thành cổ Sơn Tây - một trong 4 trọng trấn của Bắc thành Hà Nội. Ảnh: VGP/TN

Còn GS.TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, xứ Đoài chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa Hà Nội, dần hình thành vùng văn hóa nông thôn trong lòng đô thị. Tuy có sự thay đổi về cơ sở vật chất nhưng giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đoài vẫn như mạch nguồn âm thầm tiếp nối, tạo nên sắc thái riêng biệt của Sơn Tây - Hà Nội.

Vì vậy, cần có tư duy, tầm nhìn và phương thức giữ gìn lối sống của người dân xứ Đoài như là những tiểu vùng văn hóa trong vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội thời hiện đại.

Nhiều chuyên gia văn hóa, các nhà di sản đã đề cập về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài trong các khía cạnh: Bảo tồn các lễ hội; một số giá trị tiêu biểu tín ngưỡng, tôn giáo xứ Đoài; di sản xứ Đoài trong kết nối không gian văn hóa và cảnh quan kiến trúc…

Bà Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ nghiên cứu, quản lý di sản cũng như cộng đồng tham gia việc thực hành, giới thiệu di sản; xây dựng mạng lưới hợp tác nhằm tăng cường sức mạnh trong nghiên cứu và tổ chức các hoạt động; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị không gian văn hóa của Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây…

Trở lại câu chuyện gìn giữ di sản văn hóa xứ Đoài trong "cơn lốc" đô thị hóa. Phải khẳng định xứ Đoài được coi là một vùng đất "địa linh nhân kiệt", từng tấc đất, ngôi làng nơi đây đều dày đặc những di sản văn hóa. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì xứ Đoài đã trở thành một phần của Thủ đô. Với tiềm năng văn hóa của mảnh đất này, các ban, ngành chức năng của Hà Nội luôn xác định, không chỉ gìn giữ những tinh hoa văn hóa xứ Đoài mà còn phải làm cho nó ngày càng phát huy giá trị trong không gian mới.

Rõ rang xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt. Có thể coi đây là không gian cô đọng của văn hóa Việt Nam, đồng thời lại có rất nhiều nét đặc sắc riêng, là một kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa. Để làm tốt việc giữ gìn và phát huy văn hóa xứ Đoài trước những biến thiên thời gian và "vòng xoáy" đô thị hóa cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư.

Thành Nam

Top