Xu hướng gia tăng sở hữu nhà của người nước ngoài tại Hà Nội

13/02/2025 5:32 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa hàng đầu của Việt Nam mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn với người lao động nước ngoài tại Hà Nội. Đặc biệt, từ khi Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2024, việc người nước ngoài sở hữu nhà trở nên dễ dàng hơn.

Hơn 2.800 căn hộ được bán cho người nước ngoài ở Hà Nội trong năm 2024

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), từ năm 2015 đến cuối 2023, hơn 3.000 người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam. Trong đó, Hà Nội chiếm hơn một nửa, với 1.765 căn giai đoạn 2018 - 2022.

Xu hướng gia tăng sở hữu nhà của người nước ngoài tại Hà Nội- Ảnh 1.

Trong nửa đầu năm 2024, VARS cho biết người nước ngoài đã mua hơn 1.000 căn hộ ở Hà Nội.Ảnh: VGP/Thùy Chi

Trong nửa đầu năm 2024, VARS cho biết người nước ngoài đã mua hơn 1.000 căn hộ ở Hà Nội. Tiếp đó đến quý cuối năm, Sở Xây dựng Hà Nội cho phép thêm 7 dự án chung cư với khoảng 3.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài, chủ yếu là phân khúc cao cấp trong các khu đô thị.

"Các dự án này cũng nhanh chóng tiêu thụ trên 60% quỹ căn được phép bán cho người nước ngoài, với giá cao hơn 10% so với người mua Việt Nam", VARS cho hay.

Như vậy, khoảng hơn 2.800 căn hộ ở Thủ đô được bán cho người nước ngoài trong năm 2024. Hội môi giới nhận định xu hướng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển.

"Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, góp phần hấp thụ một lượng tương đối lớn các sản phẩm cao cấp, hạng sang còn "tồn kho" trên thị trường", VARS đánh giá.

Dự báo này được VARS đưa ra trong bối cảnh Luật Nhà ở 2023 (hiệu lực từ 1/8/2024) tạo điều kiện thuận lợi hơn để người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Theo đó, luật quy định rõ hơn về số người nước ngoài được sở hữu nhà tại một dự án. Với một dự án chung cư, họ không được sở hữu quá 30% trên tổng lượng căn hộ, còn với nhà liền thổ tối đa 250 căn trong một đơn vị hành chính cấp phường.

Cùng với đó, xu hướng lao động nước ngoài tới Việt Nam làm việc ngày càng tăng, nhất là các vị trí như quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật làm việc tại miền Bắc. Số này thường có nhu cầu về nhà ở tại Thủ đô Hà Nội.

Trong báo cáo năm 2024, hãng tư vấn nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cho biết, từ khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng năm 2015, khách hàng từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc trở thành những nhóm nhà đầu tư lớn. Nhóm này chiếm khoảng 75% trên thị trường nhà ở Việt Nam nhờ khoảng cách địa lý gần nhau.

Làn sóng này cũng được thúc đẩy nhờ sự hiện diện của các chủ đầu tư ngoại tại Việt Nam. Thị trường nhà ở Việt Nam cũng được đánh giá có tiềm năng tăng giá mạnh so với quê hương của họ - những nơi đã trải qua giai đoạn điều chỉnh giá tương tự trước đây.

Tuy nhiên, CBRE cho rằng mục đích đầu tư của phần lớn người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam là để chờ tăng giá kiếm lời. Số ít sẽ cho thuê căn hộ của mình như một giải pháp tạm thời trong khi chờ mức giá bán tăng. "Không nhiều người nước ngoài, chủ yếu là những người có kế hoạch sinh sống lâu dài ở Việt Nam, mua nhà với mục đích sử dụng cho bản thân", CBRE Việt Nam cho hay.

Tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản Hà Nội trong năm 2025

Dự báo năm 2025 sẽ đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường bất động sản Hà Nội. Với những thay đổi tích cực từ hành lang pháp lý, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ đạt được sự ổn định và phát triển bền vững hơn.

Thị trường bất động sản Hà Nội dự kiến đón nhận khoảng 23.000 - 30.000 căn hộ mới trong năm nay, chủ yếu tập trung tại các đô thị vệ tinh như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sẽ chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội. Các nhà đầu tư và các chủ đầu tư sẽ ngày càng chú trọng vào việc phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, đặc biệt là các dự án có chi phí xây dựng hợp lý.

Trong khi đó, nhu cầu về các sản phẩm này tại các thành phố lớn vẫn rất lớn, với các chương trình nhà ở xã hội đang dần được triển khai và mở rộng. Dự báo, các chủ đầu tư sẽ cần tìm ra các giải pháp tối ưu về chi phí để có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân, đồng thời bảo đảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ngoài ra, các dự án lớn tại Ba Đình, Long Biên và Thạch Thất sẽ tiếp tục được phát triển, tư vấn giải quyết bài toán thiếu bóng nhà ở, đồng thời giúp ổn định giá trên thị trường.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận Tư vấn và nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định, thị trường bất động sản Hà Nội cũng như thị trường cả nước năm 2025 được kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới. Theo bà Hằng, chu kỳ lần này sẽ hướng tới sự phát triển bền vững nhờ những trợ lực mạnh mẽ từ việc hoàn thiện khung pháp lý và các yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế vĩ mô. Trong đó, cùng với các luật: Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Nhà ở, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã tạo điều kiện cho người dân và nhà đầu tư nhìn rõ hơn định hướng và định hình phát triển không gian đô thị của Hà Nội.

Trong chu kỳ mới của thị trường lần này, sự hoàn thiện của khung pháp lý sẽ tạo cạnh tranh mạnh mẽ hơn, dẫn đến cuộc thanh lọc mới về sản phẩm và các chủ đầu tư. Nếu trước kia các chủ đầu tư chỉ cần có vốn, có dự án là có thể tham gia vào thị trường, giờ đây, các chủ đầu tư phải xây dựng uy tín, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mới có thể phát triển dự án.

"Đáng chú ý, điểm khác của thị trường lần này là sự tham gia trực diện của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường và đa dạng hóa phân khúc đầu tư. Thông qua hoạt động hợp tác đầu tư và bắt tay với các chủ đầu tư lớn trong nước để phát triển dự án. Hơn nữa, tiềm lực tài chính từ các thương vụ hợp tác này sẽ nâng cấp thị trường hiện hữu, khiến cánh cửa tham gia thị trường của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thu hẹp hơn", bà Đỗ Thu Hằng nhận định.

Thùy Chi

Top