Xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm

02/03/2023 12:38 PM

(Chinhphu.vn) - Theo đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội, việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm - Ảnh 1.

Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó bao gồm việc tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng

Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) của Thành phố đạt 92,9% dân số với 7.747 nghìn người tham gia, tăng 0,1% so với thời điểm 31/12/2022 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, toàn Thành phố có 1.989 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc (chiếm 40,8% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 0,3% và tăng 5,9%; hơn 77,1 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 1,6%), tương ứng tăng 2,8% và tăng 25,8%; gần 1.924 nghìn người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 39%), tương ứng tăng 0,4% và tăng 6,1%.

Trước tình trạng vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, đầu năm 2023, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội đã thực hiện 136 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với 58 cuộc (thanh tra chuyên ngành 12 đơn vị, kiểm tra sử dụng lao động 21 đơn vị, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 25 đơn vị) và thực hiện thanh tra đột xuất với 78 đơn vị.

Số liệu của Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội ghi nhận gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tổng số tiền nợ do chậm đóng các loại bảo hiểm vượt 1.500 tỷ đồng. Thời gian các doanh nghiệp nợ, chậm đóng dao động 1-182 tháng.

Một số doanh nghiệp tiêu biểu có số nợ bảo hiểm lớn là Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi - Hanel (13,7 tỷ)... Đây đều là những doanh nghiệp có số tháng nợ thấp và sở hữu lượng lao động lên đến hàng nghìn người. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có thời gian nợ bảo hiểm kéo dài trên 100 tháng là Công ty CP LILAMA3 (nợ 42,5 tỷ đồng qua 101 tháng), Công ty CP Khóa Minh Khai (nợ 12,7 tỷ đồng qua 105 tháng), Công ty CP Cơ Khí Xây Dựng 121 CIENCO1 (nợ 19,9 tỷ đồng qua 114 tháng)...

Thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó bao gồm việc tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội, việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng. Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm, tùy theo mức độ vi phạm.

Minh Anh

Top