Xử phạt gần 12 tỷ đồng vi phạm an toàn thực phẩm
(Chinhphu.vn) - Ngày 24/6, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm Thành phố chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo đánh giá công tác triển khai "Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm" năm 2025 của Ban Chỉ đạo cho thấy, toàn Thành phố đã thành lập 627 đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, bao gồm 17 đoàn cấp thành phố; 55 đoàn cấp quận, huyện, thị xã; 555 đoàn cấp xã, phường, thị trấn.
Kết quả, các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiểm tra đột xuất, định kỳ 36 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống: Tổng số cơ sở đạt yêu cầu kiểm tra là 11/36 cơ sở (đạt 30,6%); số cơ sở không đạt: 25/36 cơ sở (chiếm 69,4%). Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm, khu vực chế biến không bố trí một chiều, dụng cụ không đạt chuẩn, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không thực hiện lưu mẫu thực phẩm...
Liên quan đến công tác kiểm tra nhóm sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, trong "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2025, hai đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố đã tiến hành kiểm tra tại 6 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, đồng thời lấy 9 mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phối hợp từ phía các cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, 2 trong số 6 cơ sở thông báo đóng cửa, tạm ngừng hoạt động – dù trước đó vẫn có dấu hiệu sản xuất. Có một cơ sở không thực hiện lưu mẫu bất kỳ sản phẩm hay nguyên liệu nào sau khi sản xuất; số liệu báo cáo sản lượng cũng không khớp với thực tế sản xuất và lưu thông trên thị trường.
Toàn Thành phố đã kiểm tra, giám sát 12.781 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả cho thấy 11.367 cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, chiếm tỷ lệ 88,9%. Tuy nhiên, vẫn còn 1.414 cơ sở vi phạm, trong đó 1.372 cơ sở bị xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng; 42 cơ sở được nhắc nhở và yêu cầu khắc phục tại chỗ. Ngoài ra, 54 cơ sở bị buộc tiêu hủy hàng hóa không bảo đảm an toàn, với tổng giá trị lên tới gần 5,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 2 cơ sở bị đình chỉ hoạt động do không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Lực lượng chức năng đã khởi tố 2 vụ án với 8 bị can về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, 7 vụ việc khác đang được cơ quan công an xác minh, điều tra làm rõ.
Khẳng định một trong các nhân tố quyết định cho hiệu quả công tác an toàn thực phẩm, đó là phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm thành phố đề nghị: Ngay khi triển khai thực hiện chính quyền 2 cấp, cần thành lập Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm từ ngày 1/7 để bảo đảm công tác quan trọng này được thực hiện liền mạch, xuyên suốt. Chủ tịch UBND các xã, phường cần rà soát nhiệm vụ, đánh giá địa bàn để phân công, bố trí người thực hiện nhiệm vụ công tác an toàn thực phẩm, hoạt động theo từng tổ, nhóm để có thể phát huy tối đa hiệu quả công việc, hỗ trợ lẫn nhau. Các sở, ngành phải sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, còn cấp xã phải xác định rõ đầu mối thực hiện nhiệm vụ, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm ngay sau khi được tập huấn, hướng dẫn.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phải triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, khi Thủ đô đón số lượng lớn du khách, không để xảy ra mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Trước mắt, cần chú trọng rà soát nguồn cung ứng thực phẩm, cả trong và ngoài thành phố, cũng như quá trình vận chuyển, chế biến thực phẩm.
Các địa phương không để tồn tại tình trạng hàng quán bán rong quanh cổng trường học gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, trong đó trách nhiệm hàng đầu thuộc về chính quyền cấp xã. Tới đây, thành phố triển khai thí điểm mô hình bữa ăn trưa trong trường học, công tác kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm càng cần được đặc biệt quan tâm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinhthực hiện tốt công tác kiểm tra liên ngành. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp, cơ quan thông tin truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định. Sở Y tế là cơ quan thường trực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu, hướng dẫn thực hành tốt để bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, 9 tập thể và 18 cá nhân đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025.
Thiện Tâm