Xuất khẩu tăng trưởng 3,5% so với tháng trước
(Chinhphu.vn) - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính đạt 1.406 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022

Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định để tăng cường xuất khẩu. Ảnh: VGP/Minh Anh
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 828 triệu USD, tăng 9,2% và tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 578 triệu USD, giảm 3,7% và giảm 11,3%.
Trong tháng 7, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 211 triệu USD, tăng 9,2%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 189 triệu USD, tăng 2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 130 triệu USD, tăng 21,7%; xăng dầu đạt 101 triệu USD, tăng 16,3%; hàng nông sản đạt 97 triệu USD, tăng 88,3%.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Hàng dệt, may đạt 195 triệu USD, giảm 14,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 65 triệu USD, giảm 13%; giày dép và sản phẩm từ da đạt 32 triệu USD, giảm 30,4%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 22 triệu USD, giảm 16,9%; hàng hóa khác đạt 340 triệu USD, giảm 5,4%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 9,4 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4 tỷ USD, giảm 7,9%.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 7 tháng giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may; gỗ và sản phẩm từ gỗ ; giày dép và sản phẩm từ da ...
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.315 triệu USD, tăng 3,2%; máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 1.171 triệu USD, tăng 4,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 955 triệu USD, tăng 11,4%; xăng dầu đạt 747 triệu USD, tăng 1,6%; hàng nông sản đạt 625 triệu USD, tăng 28%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính đạt 2.853 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.311 triệu USD, tăng 1,7% và giảm 15,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 542 triệu USD, tăng 4,7% và giảm 15,9%.
Trong tháng 7, phần lớn các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như máy móc thiết bị, phụ tùng; xăng dầu; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép; kim loại ... Riêng 2 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ là hàng điện gia dụng và linh kiện đạt 59 triệu USD, tăng 5,2%; thức ăn gia súc đạt 55 triệu USD, tăng 3,4%.
Theo số liệu báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước tháng 7/2023 ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%.
Sau 7 tháng năm 2023, xuất khẩu vẫn chứng kiến sự sụt giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức giảm này đã được thu hẹp đáng kể so với thời điểm cuối tháng 6/2023 (giảm 12,1%)... Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Ngoài ra, sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA. Việc khai thác các FTA vẫn sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt. Để khai thác thị trường có FTA thì cần phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, kèm theo đó là sự thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng. Việc phổ biến và làm doanh nghiệp hiểu rõ hơn vấn đề này là trách nhiệm mà Bộ Công Thương cần thúc đẩy trong thời gian tới.
Minh Anh