An toàn dịch bệnh là nền tảng chính để phát triển chăn nuôi

24/06/2023 2:57 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù gặp nhiều thách thức song ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn nắm bắt được thời cơ, xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

An toàn dịch bệnh là nền tảng chính để phát triển chăn nuôi - Ảnh 1.

Cán bộ thú y kiểm soát an toàn giết mổ - Ảnh: VGP/An Khuê

Giữ vững các cơ sở chăn nuôi an toàn

Hà Nội hiện có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ. Đến nay, Hà Nội có 42 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.

Năm 2023, phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn Hà Nội gặp không ít khó khăn thách thức do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, khi 5 huyện có số lượng chăn nuôi lớn đã có lộ trình lên quận, điều tất yếu phải giảm mật độ chăn nuôi. Bên cạnh đó, diễn biến thị trường thức ăn chăn nuôi trên thế giới, trong nước biến động khó lường; các bệnh mới, chủng mới xuất hiện đều trực tiếp ảnh hưởng…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, năm 2022, mặc dù gặp nhiều bất lợi như thời tiết, tình hình khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng; giá thức ăn chăn nuôi tăng 17 lần, nhưng ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn tăng trưởng, đặc biết chất lượng đàn gia súc gia cầm được cải thiện đáng kể.

Tính đến thời điểm tháng 12/2022, số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố được thống kê cụ thể:  Đàn trâu, bò: 167.176 con; đàn lợn: 1.644.466 con, đứng thứ 2 cả nước; đàn gia cầm: 42.224.271 con, đứng số 1 cả nước; đàn chó mèo: 438.390 con, đứng thứ 2 cả nước sau Nghệ An.

Toàn thành phố có 1.058 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trong đó 25 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.033 cơ sở kinh doanh thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc. Số cơ sở buôn bán thuốc thú y trên địa bàn là 646 cơ sở giảm 6,6 % so với năm 2021 (692 cơ sở); 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ; có 129 kho bảo quản sản phẩm động vật làm thực phẩm; 390 cơ sở số cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; 112 cơ sở khám chữa bệnh động vật.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố cơ bản ổn định với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một số ổ dịch xảy ra từ đầu năm 2022 nhỏ lẻ, được phát hiện sớm, báo cáo kịp thời và xử lý nhanh gọn không để lây lan.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết định hướng chăn nuôi Hà Nội thời gian tới sẽ không tăng số lượng mà chỉ tăng chất lượng; chăn nuôi gắn với phát triển du lịch; quy hoạch theo vùng và công nghệ cao, gắn sơ chế và chế biến sâu; tập trung sản xuất con giống và hợp tác chăn nuôi thương phẩm với các tỉnh; đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm và để chăn nuôi bền vững cũng như chăn nuôi đảm bảo an toàn môi trường và an toàn dịch bệnh; thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ.

Mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT), thời gian qua Việt Nam đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cả nước, chỉ có một vài ổ dịch nhỏ lẻ, còn tuyệt đại đa số (trên 99,9%) trong tổng đàn trên 550 triệu con gia cầm là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh. Về cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người ở phạm vi cả nước nói chung, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.

Tuy vậy, đến nay cả nước vẫn chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Để làm được điều này, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của OIE và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.

Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí đầu tư để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho việc duy trì các hoạt động thú y nhằm xây dựng, duy trì vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh. Ưu đãi đối với công tác hỗ trợ xây dựng hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh thì cần tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm, bảo đảm yêu cầu tiến tới công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, theo tiêu chuẩn của OIE đối với các cơ sở chăn nuôi hướng đến xuất khẩu.

Đối với các đơn vị có nhu cầu xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương để lập kế hoạch và triển khai xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi và các địa phương xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; ban hành các tiêu chí kỹ thuật cụ thể đối với từng thành phần của chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để các đơn vị làm căn cứ áp dụng, tự kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch;

Hỗ trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong việc xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn của OIE và yêu cầu của các nước; phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm xây dựng thành công chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE để có thể xuất khẩu sang các nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNTN Phùng Đức Tiến cho biết: "Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan"

Hiện Bộ NNPTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án ưu tiên về vùng an toàn dịch bệnh giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước.

An Khuê

Top