Bài 3: ‘Chìa khóa’ tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc
(Chinhphu.vn) - Từ quan điểm “Dân là gốc” đã phát triển thành quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Qua thực hiện nhiều việc lớn, việc khó, các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố tới cơ sở đã luôn thể hiện tinh thần tôn trọng nhân dân, phát huy sức dân, coi đây là “chìa khóa” tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.

Phương Yên Nghĩa, quận Hà Đông họp bàn với người dân về phương án xây sửa nghĩa trang. Ảnh: VGP/Song Linh
Lòng dân đồng thuận, không còn là việc khó
Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn TP. Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô. Dự án đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Song hành với công tác thi công, xây dựng, có một mặt trận khác âm thầm nhưng quyết liệt không kém là tuyên truyền, vận động, đối thoại để các tổ chức, cá nhân đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Hiểu rõ công tác giải phóng mặt bằng là một việc khó, phức tạp, dễ nảy sinh những tình huống nhạy cảm, xung đột về lợi ích dẫn đến mâu thuẫn, khiếu kiện, UBND huyện, Ban Dân vận Huyện ủy Sóc Sơn phối hợp với 2 xã có dự án đi qua (Tân Dân, Thanh Xuân) tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trực tiếp đối thoại để lắng nghe, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của người dân.
Đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chủ động không kể ngày đêm, ngày nghỉ bám sát, phối hợp kịp thời với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền xã, chi bộ, thôn để tuyên truyền, đôn đốc tiến độ, kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhờ đó đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Tại huyện Đan Phượng, hơn 1 nghìn ngôi mộ từ nghĩa trang nhân dân thôn Bồng Lai (xã Hồng Hà) được di dời về nghĩa trang mới diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, giúp bàn giao mặt bằng cho dự án.
Ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Hà cho biết, việc di chuyển mồ mả diễn ra thuận lợi, nhanh chóng trước hết là nhờ có sự ủng hộ của 7 hộ dân ở Cụm 4, đã chủ động bàn giao 2.602,1m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân xã Hồng Hà, làm địa điểm di dời hơn 1 nghìn ngôi mộ tại nghĩa trang cũ, dù khi đó chưa có phương án bồi thường.
"Ban đầu, một vài hộ cũng còn băn khoăn khi chưa có phương án bồi thường. Để bảo đảm kịp thời việc di dời nghĩa trang Bồng Lai đúng lịch trình, chúng tôi đã vận động các gia đình áp dụng mức giá bồi thường theo phương án thu hồi các loại đất nông nghiệp của HĐND Thành phố. Nếu sau này trong quá trình thực hiện có thay đổi thì các hộ sẽ nhận thêm sau. Phương án này nhanh chóng được các hộ dân chấp thuận", ông Chiến cho biết.
Tại quận Hà Đông, tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa phận phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông có chiều dài khoảng 2,5km; tổng diện tích đất phải thu hồi là 329.667,9m2 liên quan đến 1.331 hộ dân. Ngoài ra, có 2.250 ngôi mộ nằm trong nghĩa trang nhân dân Tổ dân phố 5, 6 và ngoài nghĩa trang nhưng trong chỉ giới phải di chuyển.
Ông Lê Đức Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Yên Nghĩa chia sẻ, trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giải phóng mặt bằng, MTTQ quận luôn quan tâm, chia sẻ, lắng nghe và đáp ứng các yêu cầu của người dân trong khuôn khổ cho phép; đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành phố.
Bước đầu, thông qua việc tiếp xúc với nhân dân, tổ công tác nắm bắt được rằng, đa số đều nhất trí với chủ trương xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Tuy nhiên, đối với việc di chuyển mộ trong nghĩa trang nhân dân Tổ 5, 6 vẫn có một vài trường hợp dòng họ có mộ chi, mộ tổ muốn được bố trí diện tích đất lớn hơn diện tích phường dự kiến.
"Với phương châm vận động nhân dân là đối tượng nào, hình thức đó. Chúng tôi đã cùng các đoàn, thể tổ chức các buổi đối thoại với người dân, qua đó lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề mà nhân dân tâm tư nhất để tháo gỡ kịp thời", Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Yên Nghĩa chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hà Đông Trần Sơn Hải cho biết thêm, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, quận Hà Đông đã họp bàn nhiều cuộc với 12 dòng họ có mộ tổ, mộ chi nhằm giải quyết một cách thấu đáo các nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
"Ban đầu chúng tôi đã có thiết kế nghĩa trang chung, sau mỗi cuộc họp lắng nghe nguyện vọng của người dân thì đều có sự điều chỉnh phù hợp. Đến nay, vấn đề này cơ bản đã được tháo gỡ trên cơ sở những kiến nghị của người dân đều được ghi nhận, xem xét; những ý kiến nào chính đáng, trong khuôn khổ cho phép thì quận tiếp thu, điều chỉnh", ông Hải cho biết, đồng thời nhấn mạnh vận động giải phóng mặt bằng phải linh hoạt, kỹ năng tuyên truyền, vận động phải nhuần nhuyễn, không chỉ thực hiện "mưa dầm thấm lâu" mà phải biết "mềm nắn, rắn buông".
Tăng cường đối thoại, lắng nghe dân

Nhờ sự đồng thuận của nhân dân ngay từ khâu giải phóng mặt bằng mà dự án đường Vành đai 2 trên cao (đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở) được chính thức thông xe vào đầu năm 2023. Ảnh: VGP
Là địa bàn có nhiều dự án cần giải phóng mặt bằng, hầu hết đều khó khăn, phức tạp, nhưng tình hình đơn, thư khiếu kiện những năm gần đây của quận Hai Bà Trưng đã giảm đáng kể. Những dự án quan trọng như đường Vành đai 1, Vành đai 2 dưới thấp và trên cao đều được giải phóng mặt bằng thông suốt. Giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng là quận đã tập trung tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam chia sẻ quan điểm: "Đối với quận, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đều phải xác định rõ, người dân là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và phát triển. Phục vụ cuộc sống người dân là mục tiêu, là động lực trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các phòng, ban, ngành phải tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân; lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ... Ngoài việc tiếp xúc, đối thoại, cần phải tăng cường nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, duy trì công tác tiếp công dân và kịp thời giải quyết các đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo".
Tại huyện Chương Mỹ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trịnh Tiến Tường khẳng định, đối thoại trực tiếp và thẳng thắn với người dân chính là "chìa khóa" để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, để triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng quốc lộ 6, đoạn qua xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức họp 2 thôn để trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhân dân và đã đạt được sự đồng thuận về giá đền bù; thống nhất việc thực hiện giải phóng mặt bằng theo chỉ giới. "Khi người dân cảm nhận được cấp ủy, chính quyền sẵn sàng lắng nghe, giải quyết thấu đáo từng vấn đề thì bà con sẽ đồng thuận, nhất trí", ông Trịnh Tiến Tường cho biết.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp trên 22.800 lượt công dân (giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022). Còn thực hiện quy định về việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất của thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 11.750 lượt công dân (tăng 6,5% so với cùng kỳ); trong đó, lãnh đạo UBND Thành phố tiếp trên 130 lượt công dân; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tiếp trên 11.600 lượt công dân.
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã tổ chức tiếp, đối thoại với công dân; nghe các đơn vị báo cáo để kịp thời chỉ đạo giải quyết đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp.
Các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 75 lượt đoàn đông người với 37 vụ việc khiếu nại, tố cáo (từ 10 người trở lên) tăng 20 vụ việc so với năm 2022. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất dịch vụ, đầu tư trái phiếu và chuyển đổi mô hình, xây dựng một số chợ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, Lãnh đạo UBND Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã có liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định, đề xuất phương án giải quyết có lý, có tình, có tính khả thi cao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là các vụ phức tạp, đông người..
Sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt từ Thành phố xuống cơ sở đối với nhiệm vụ tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý ý kiến, kiến nghị của dân tại Hà Nội đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, củng cố niềm tin trong nhân dân...
(Còn nữa)
Gia Huy-Song Linh