Cần chính sách hỗ trợ kịp thời để ‘giữ chân’ cán bộ

24/10/2022 4:01 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tình trạng nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ việc, đặc biệt là cán bộ ngành Y tế có sự dịch chuyển hoặc chuyển từ đơn vị công lập sang tư nhân, UBND TP. Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị thực hiện các giải pháp yêu cầu cải thiện môi trường làm việc cũng như tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ làm việc.

Cần chính sách hỗ trợ kịp thời để ‘giữ chân’ cán bộ - Ảnh 1.

TP. Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị thực hiện các giải pháp yêu cầu cải thiện môi trường làm việc cũng như tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ làm việc

 

Hà Nội có khoảng 1.000 cán bộ y tế nghỉ việc

Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cán bộ y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc chuyển từ đơn vị công lập sang tư nhân. Đây cũng là một đột biến bất thường do dịch chuyển công tác và do áp lực công việc mang lại.

Chính vì vậy, để "giữ chân" người lao động, nhất là trước những khó khăn, thử thách do dịch bệnh mang lại, ngành Y tế rất cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp và tương xứng với công sức các y, bác sĩ đã cống hiến để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm về những khó khăn, vất vả của cán bộ ngành Y tế Thủ đô thời gian vừa qua.

Ông Trịnh Tố Tâm cho biết, theo Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội có khoảng 1.000 cán bộ y tế nghỉ việc. Đây cũng là một đột biến bất thường do dịch chuyển công việc hoặc do áp lực từ công việc.

sự dịch chuyển lao động từ Y tế công lập sang tư nhân

Theo ông Tâm, thời gian qua, Nhà nước đã có các chế độ chính sách quan tâm, hỗ trợ cho cán bộ ngành Y. Thu nhập của ngành Y tế tuy chưa cao nhưng cũng ổn định. Tuy nhiên, các y, bác sĩ trong ngành sẽ có sự so sánh giữa y tế công lập và y tế tư nhân (đặc biệt về vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ…) nên dẫn đến có sự dịch chuyển lao động từ y tế công lập sang y tế tư nhân.

Số lượng cán bộ y tế nghỉ trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Lực lượng cán bộ y tế nghỉ việc tập trung ở khối khám chữa bệnh tại các bệnh viện nhiều hơn và là những người có tay nghề, chuyên môn cao… Đây cũng chính là lực lượng mà y tế tư nhân muốn thu hút về cơ sở của họ. Chính sự dịch chuyển này cũng ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các đơn vị Y tế.

Cũng theo ông Tâm, thời gian qua các y, bác sĩ có chịu áp lực nhưng tập trung chủ yếu trong thời điểm dịch bệnh tăng cao, còn hiện tại dịch bệnh đã giảm nhiều và được kiểm soát nên áp lực đè lên vai các y, bác sĩ không còn như trước nữa. Nhưng về thu nhập thì thực tế vẫn còn nhiều cán bộ y tế lương thấp, không có thu nhập tăng thêm, dẫn đến khó khăn về đời sống vật chất.

Do dịch bệnh COVID-19 nên hai năm qua công tác khám chữa bệnh và các hoạt động dịch vụ của các đơn vị y tế giảm 50-70%, vì vậy cán bộ y tế không có thu nhập tăng thêm, chỉ có lương và phụ cấp của nhà nước. Hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động chuyên môn trở lại bình thường, nguồn thu nhập của ngành y sẽ dần được cải thiện hơn.

Để hỗ trợ, động viên cán bộ ngành Y tế, vừa qua Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ một lần cho cán bộ y tế với 3 mức là: 5 triệu, 7 triệu và 10 triệu. Đây là sự quan tâm rất lớn của thành phố đối với ngành Y tế.

Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng rất cần tiếp tục có sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các chế độ chính sách, tiền lương, phụ cấp, đặc thù ngành nghề của ngành… để cho y, bác sĩ yên tâm công tác, phục vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chọn công việc khác để bảo đảm đời sống

Với khối ngành nghề khác, chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, anh Nguyễn Văn Kh., đã nghỉ việc tại cơ quan nhà nước được hơn 1 năm cho hay, anh từng làm công chức tại một xã thuộc huyện ngoại thành Hà Nội. Trong đơn xin nghỉ việc, lý do anh đưa ra là "nghỉ theo nguyện vọng cá nhân" để tổ chức không lăn tăn và cơ quan không vướng bận gì về mình. Tuy nhiên thực tế là lương công chức còn thấp, anh không thể từ đồng lương đó để lo cho con cái, gia đình trong khi giá cả leo thang như hiện nay.

"Chỉ vì cơm áo gạo tiền, phải dứt áo ra đi, phải từ bỏ công việc trước đây đã chọn là điều không ai muốn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay khi vật giá ngày càng leo thang, mà lương không tăng... thì tôi không còn sự lựa chọn nào khác", anh Kh. chia sẻ.

Cũng như anh Nguyễn Văn Kh., bạn Đỗ Thị Hoa, trước cũng làm tại cơ quan nhà nước nhưng nay đã xin nghỉ việc, hiện nay làm tại một khu công nghiệp tại địa phương. Bạn Hoa chia sẻ: "Lương của công chức, viên chức còn thấp và mấy năm nay chưa tăng, đời sống có nhiều khó khăn, do đó tôi đã xin ra ngoài làm để trang trải cuộc sống".

Chia sẻ từ anh Kh. và bạn Hoa cho thấy, vì cuộc sống họ đành phải chọn công việc khác bảo đảm về kinh tế, cộng với việc ngày càng giảm biên chế nhưng công việc phục vụ người dân ngày càng phải nâng lên và còn nhiều lý do khác nữa nên họ buộc phải xin nghỉ việc yêu mến mà trước đây đã chọn.

"Là công chức, lương tôi chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng. Mấy năm nay, gặp khó khăn do dịch COVID-19 cùng với những chi tiêu hằng ngày càng tăng, khiến cuộc sống gia đình tôi đảo lộn, đặc biệt là sống tại môt thành phố lớn thì với đồng lương này càng khó khăn hơn. Và điều đó đã khiến tôi quyết định chuyển ra ngoài làm kinh doanh", anh N. (hiện đang làm kinh doanh tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Tạo cơ hội phát triển, ổn định cho đội ngũ cán bộ

Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, đầu tháng 10/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn ký đã ký ban hành văn bản để khắc phục tình trạng này.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai thực hiện một số giải pháp để khắc phục, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố.

Cụ thể, thành phố đã đưa ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm như: Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở.

Đặc biệt, UBND Thành phố yêu cầu cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

UBND Thành phố cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt, công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực, cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Trịnh Tố Tâm, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam cũng đang đề xuất Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ về vấn đề lương khởi điểm, chế độ thâm niên của cán bộ y tế. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các đơn vị trong ngành y tế đã thực hiện tự chủ và chi tiêu thường xuyên nhưng giá dịch vụ y tế vẫn theo quy định của nhà nước. Như y tế tư nhân có quyền xây dựng mức giá nhưng y tế công lập vẫn theo giá quy định của nhà nước, nên nhiều đơn vị tự chủ nhưng giá dịch vụ y tế không phù hợp, dẫn đến nguồn thu của đơn vị bị ảnh hưởng và cũng dẫn tới thu nhập của người lao động chưa cao, chưa tương xứng với đặc thù nghề nghiệp.

Cũng theo ông Trịnh Tố Tâm, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã tạm lắng nhưng chưa chấm dứt hẳn, nhưng vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Các dịch bệnh mới lại tiếp tục phát sinh như Đậu mùa khỉ, hay các dịch bệnh truyền thống như sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trở lại… Điều đó cho thấy, ngành y tế sẽ thường xuyên vất vả và các cán bộ ngành y tế cũng luôn xác định tinh thần đó để "chiến đấu", bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, nỗ lực các anh, chị em trong ngành phải trải qua, nên Công đoàn Y tế Hà Nội đã tích cực hỗ trợ, thăm hỏi, giúp đỡ các cán bộ y tế như động viên, tuyên truyền, vận động thủ trưởng các đơn vị y tế quan tâm nhiều hơn nữa cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn cũng có những hỗ trợ, khen thưởng, động viên kịp thời đến những cán bộ, đơn vị y tế, qua đó góp phần khích lễ, "giữ chân" người lao động ở lại, gắn bó và yên tâm công tác.

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nâng mức thu nhập bình quân đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, Sở Tài chính cũng chủ trì xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên, thực hiện thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị của Thành phố.

Thiện Tâm-Thuỳ Linh

Top