Cần giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện để bảo vệ cây xanh đô thị Hà Nội

23/09/2024 3:43 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi bão số 3 Yagi càn quét khiến khoảng 40.000 cây xanh ở Hà Nội gãy đổ, chủ yếu ở các khu vực trung tâm của thành phố, thì việc trồng lại cây xanh của TP. Hà Nội đang là vấn đề vô cùng cấp thiết, được nhiều người dân quan tâm.

Tầm quan trong việc thống nhất quản lý bảo vệ cây xanh đô thị

Theo số liệu thống kê, cơn bão số 3 càn quét đã khiến khoảng 40.000 cây xanh ở Hà Nội gãy đổ, trong đó cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do thành phố quản lý theo phân cấp) là hơn 13.600 cây bị gãy đổ. Còn cây xanh do quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị bị gãy đổ là hơn 26.300 cây.

Cần giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện để bảo vệ cây xanh đô thị Hà Nội- Ảnh 1.

Để nâng cao chất lượng cây xanh đô thị, Hà Nội cần bổ sung thành phần cây xanh cho đô thị, nhất là các loại cây xanh được trồng trên các tuyến đường - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Cây xanh bóng mát sử dụng tại Hà Nội, đa số đã được trồng thử nghiệm, thuần dưỡng và thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Thủ đô. Song, thực tế cho thấy, hiện nay, không phải cây nào được trồng trong đô thị cũng bảo đảm các yếu tố đề ra đối với cây đô thị.

Theo các chuyên gia, nước ta là nước nhiệt đới có hệ thực vật phong phú với 12.000 loại thực vật bậc cao, trong đó có 50% số loài có tính chất bản địa. Đây là nguồn cung cấp tài nguyên thực vật vô cùng quý giá có thể nhân giống cung cấp trồng trong các đô thị. Do đó, việc dẫn giống cây trồng từ mỗi vùng sinh thái phù hợp với đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tính chất của đô thị không những góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị mà còn tạo được bản sắc cảnh quan đặc trưng riêng cho mỗi đô thị.

Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp), hệ thống cây xanh bóng mát đường phố Hà Nội đa dạng về thành phần, nhiều nhất là các loài như: xà cừ, bằng lăng, lim xẹt… đã chứng minh được sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh ở Hà Nội hiện phải chịu nhiều áp lực do phát triển đô thị, hạ ngầm các công trình, nên diện tích đất dành cho trồng cây bị thu hẹp. Rễ cây thay vì cắm sâu vào đất, buộc phải phát triển theo chiều ngang, và thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cây xanh đô thị dễ bị đổ gãy khi gặp tác động lớn từ thiên nhiên.

PGS.TS Đặng Văn Hà cũng chỉ ra rằng, nhiều đô thị hiện nay gặp khó khăn trong việc lựa chọn chủng loại cây phù hợp cho đường phố và công viên, trong khi đó việc quản lý cây xanh hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm và thiếu sự thống nhất, dẫn đến nhiều bất cập trong công tác chăm sóc và bảo vệ cây.

PGS.TS Đặng Văn Hà cho biết, ở một số nơi, việc quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị được giao cho Sở Xây dựng, trong khi ở một số nơi khác lại thuộc về chính quyền địa phương. Thông thường, sau khi thi công đường sá, họ chỉ đào một cái hố nhỏ để trồng cây. Cây có thể phát triển bình thường trong vài năm đầu, nhưng sau 5-10 năm, các vấn đề bắt đầu xuất hiện do chất lượng cây và kỹ thuật trồng không được bảo đảm. Vì vậy, khi có hiện tượng thời tiết bất thường, nguy cơ rủi ro là rất cao nếu không có sự quản lý toàn diện.

Đề xuất về công tác thiết kế và kỹ thuật trồng cây, PGS.TS Đặng Văn Hà đề xuất cần có sự quản lý thống nhất, đặc biệt là các sở Xây dựng cần có đơn vị chuyên môn với đội ngũ cán bộ chuyên trách, được đào tạo và có chuyên môn sâu về cây xanh. Hiện tại, nhiều địa phương còn thiếu chuyên môn trong quản lý cây xanh và công tác dự báo rủi ro còn yếu.

PGS.TS Đặng Văn Hà cũng lưu ý, kỹ thuật trồng cây đô thị tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. Các cây trồng thường chưa được ươm tạo đầy đủ trước khi đưa vào đô thị. Trong khi ở các nước phát triển, cây được nuôi dưỡng trong vườn ươm từ 8-10 năm trước khi trồng, tại Việt Nam, cây giống thường mua từ vùng nông thôn hoặc rừng núi và trồng ngay, dẫn đến chất lượng cây trồng không đạt yêu cầu.

Cần làm gì để nâng cao chất lượng cây xanh đô thị?

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, để nâng cao chất lượng cây xanh đô thị, Hà Nội cần bổ sung thành phần cây xanh cho đô thị, nhất là các loại cây xanh được trồng trên các tuyến đường. Trong đó, ưu tiên các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian, quy mô, tính chất cũng như cơ sở hạ tầng, truyền thống tập quán của người Hà Nội.

Việc lựa chọn loài cây trồng phải phù hợp với quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị chung của Hà Nội.

Đồng thời, ưu tiên khai thác các loài cây bản địa nhằm tạo lập bản sắc đô thị và phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển. Lựa chọn cây trồng ngoài việc phải kết hợp hài hòa giữa mục đích trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn còn phải cải tạo được cảnh quan, cải thiện khí hậu và vệ sinh môi trường.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn cho rằng, Hà Nội cần có kịch bản, định hướng cho từng tuyến, từng không gian theo đặc trưng cảnh quan và có câu chuyện về bản sắc sẽ đem lại hiệu quả hơn. Cùng với đó, thành phố cũng cần nghiên cứu, lựa chọn những loài cây phù hợp với không gian đô thị.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội, chúng ta cần mạnh dạn lựa chọn những cách làm mới hoặc loại bỏ những cây không còn phù hợp với kích thước. Ông Anh Tuấn đưa ra ví dụ, những cây trên vỉa hè hẹp, đặc biệt trong khu phố cổ, chúng ta cần truyền thông tốt, từng bước lựa chọn những loài cây phù hợp để thay thế và điều này không chỉ đáp ứng cho cảnh quan mà cả về vấn đề môi trường, an toàn cho người dân. Đây là những bài toán trong cảnh quan có rất nhiều giải pháp, quan trọng là sự quyết tâm của Hà Nội và việc thực hiện cần có kịch bản bài bản, lộ trình.

"Tôi thấy rằng bài toán kịch bản cho cây xanh cần phải triển khai sớm để đem lại hiệu quả và phát triển cây xanh đô thị bền vững cho TP. Hà Nội", TS.KTS Phạm Anh Tuấn nói.

Từ câu chuyện quy hoạch, TS.KTS Phạm Anh Tuấn nhận định, ở các thành phố cần có vườn ươm cây xanh. Song tại nước ta gần như chưa có thành phố nào làm được điều này, đây là vấn đề rất quan trọng trong việc quy hoạch cây xanh.

Đối với cây xanh của Hà Nội bị đổ do bão Yagi, ông Tuấn đánh giá những cây này giống cây trồng mới bị vỡ bầu nên khả năng sống yếu, sức khỏe của cây kém nếu trồng ngay tại chỗ. Đặc biệt, theo ông Tuấn việc trồng ngay tại chỗ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nền đất bị ô nhiễm, khí hậu khắc nghiệt, rễ cây bị tổn thương… Do đó, cần đem cây gãy đổ về vườn ươm để ủ, chăm sóc cho cây khỏe lại đến khi cây phát triển tốt mới đem trồng lại. Việc trồng lại cây xanh cần cần phải tính toán đến kích thước của vỉa hè; tỉ lệ giữa chiều rộng, chiều cao của cây xanh với công trình xung quanh. Để làm tốt việc này theo ông Tuấn rất cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia.

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, việc cần làm ngay trước mắt là phải rà soát những cây đã gãy, đổ để xem cây nào có khả năng phục hồi, cây nào không thể cứu để điều chỉnh lại cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần rà soát những cây chưa đổ gãy để đánh giá khả năng phòng, chống của cây khi gặp những sự cố về thiên tai.

"Đây là những việc mà TP. Hà Nội cần xem xét, cân nhắc, sớm triển khai để bảo đảm an toàn cho người dân và việc này phải phụ thuộc vào từng tuyến phố, loại hình hoạt động", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thùy Chi

Top