Chủ động phương án bảo đảm an toàn giao thông khi mưa lớn
(Chinhphu.vn) - Nhận định siêu bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là một cơn bão lớn, mưa nhiều kèm theo giông lốc, sấm sét, để chủ động đối phó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc có giải pháp ứng phó; tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.
Cụ thể, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
Chú trọng tập trung đến các phương án phòng, chống úng ngập nội, ngoại thành; phương án phối hợp ứng phó phòng, chống cây đổ, cành rơi, giải tỏa cây đổ, bảo đảm giao thông khi mưa to, gió lớn; phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, ứng phó sự cố công trình, sự cố gãy đổ, xê dịch biển báo giao thông; có phương án phối hợp hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố.
Tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; phối hợp kiểm tra công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để có thể phát hiện, ứng phó kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra; sẵn sàng phương án phối hợp sơ tán, bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm.
Trong đó cần tăng cường tuần tra các địa bàn thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Tuyến metro sẽ tạm dừng hoạt động nếu gió báo cấp 8 trở lên
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các phương án ứng phó bão Yagi đổ bộ. Tình huống thiên tai đã nằm trong các kịch bản rủi ro đột xuất được xây dựng và diễn tập từ trước.
Đơn vị hiện vận hành 2 tuyến tàu điện tại Hà Nội là Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội. Theo phương án vận hành an toàn các tuyến đường sắt đô thị phải tạm dừng hoạt động khi bão mạnh cấp 8 trở lên. Cụ thể, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ phải ngừng chạy nếu gió vượt quá cấp 8; trong khi ngưỡng chịu gió của tàu Nhổn - Cầu Giấy là cấp 11.
"Trong điều kiện mưa bão, các đoàn tàu của 2 tuyến metro sẽ chuyển từ chế độ lái tự động sang lái thủ công. Gió to vượt ngưỡng sẽ xem xét dừng chạy tàu", ông Trường chia sẻ.
Tại trung tâm điều độ (OCC), kíp trực sẽ căn cứ các bản tin của cơ quan khí tượng để đánh giá và ra quyết định tạm dừng chạy tàu. Nhà ga sẽ phát thông báo đến hành khách trong trường hợp lịch chạy tàu thay đổi.
Để ứng phó với cơn bão số 3 Yagi, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng đã đưa ra thông báo bãi bỏ 10 đoàn tàu chạy trong các ngày từ 7-12/9 để bảo đảm an toàn. Cụ thể, các tàu SE11 xuất phát Hà Nội ngày 09, 10/9/2024 và tàu SE12 xuất phát Sài Gòn ngày 11, 12/9/2024; Bãi bỏ tàu LP5/HP2, tàu LP8/7 ngày 07/9/2024; Bãi bỏ tàu HP1, LP2 ngày 08/9/2024; Bãi bỏ tàu NA1/NA2 ngày 07/9/2024.
Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, kế hoạch chạy tàu sẽ liên tục được cập nhật. Hành khách có vé đi tàu bị tạm dừng liên hệ nhà ga, đại lý trước giờ tàu chạy để đổi hoặc trả vé không thu phí. Hành khách có vé trong những ngày này cần theo dõi thông tin ảnh hưởng của bão để chủ động thời gian, phương án di chuyển hợp lý để bảo đảm an toàn.
Bích Phương