‘Đánh thức’ tiềm năng du lịch ngoại thành

28/03/2022 1:02 PM

(Chinhphu.vn) - Du lịch Hà Nội đang trong thời kỳ phục hồi lại sau dịch COVID-19. Để “đánh thức” tiềm năng du lịch nơi đây, ngoài việc sáng tạo, làm mới các sản phẩm du lịch thì không thể bỏ qua tiềm năng "hút khách" từ các huyện ngoại thành.

‘Đánh thức’ tiềm năng du lịch ngoại thành - Ảnh 1.

Khách du lịch tham quan đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: VGP/Thành Nam

Nhiều tiềm năng, lợi thế du lịch

Với 18 huyện, thị xã, ngoại thành Hà Nội được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là khu vực thuộc vùng văn hóa xứ Đoài, với đậm đặc các dấu tích văn hóa cổ, lại mang đặc trưng làng quê đồng bằng Bắc Bộ cùng cảnh quan tự nhiên đẹp.

Nằm ở phía Đông TP. Hà Nội, Gia Lâm là nơi có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và là vùng đất cổ, còn lưu dấu nhiều di tích lịch sử liên quan đến buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Gia Lâm có 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt (đền Phù Đổng); 64 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 86 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 19 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng - kháng chiến và hàng vạn di vật, hiện vật có giá trị tiêu biểu cho diện mạo văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa và các di tích cách mạng kháng chiến, Gia Lâm còn có nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu như lễ hội Gióng, lễ hội đền Bà Tấm, lễ hội Chử Đổng Tử... và nhiều làng nghề truyền thống, làng khoa bảng có lịch sử hàng trăm năm như làng Bát Tràng, làng Kiêu Kỵ, làng Nành (Ninh Hiệp).

Đây chính là những thế mạnh mà Gia Lâm có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh, lịch sử văn hóa, con người… đến bạn bè trong và ngoài nước. Đó cũng là những yếu tố cơ bản hình thành tài nguyên du lịch phong phú trên địa bàn huyện.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, Gia Lâm có sản phẩm du lịch Bát Tràng đa dạng với các sản phẩm du lịch tham quan, mua sắm sản phẩm làng nghề; chương trình tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm nghề gốm với các nghệ nhân, cơ sở sản xuất; trải nghiệm làm nghề gốm; tham quan kiến trúc làng nghề, nhà cổ; trải nghiệm làm bữa cơm truyền thống của người Việt; du lịch văn hóa, tâm linh.

Bà Hương cho biết, điểm du lịch Phù Đổng được UBND TP. Hà Nội công nhận tháng 10/2021. Tại đây có các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, trải nghiệm giáo dục, kỹ năng sống; tham quan, chụp ảnh tại làng nghề hoa giấy Phù Đổng.

Mặt khác, ngoại thành Hà Nội có một vùng đất cổ với truyền thống hiếu học, nơi sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhà văn hóa nổi tiếng như: Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, Đệ nhất Tam nguyên Vũ Phạm Hàm... Đó là vùng đất Thanh Oai. Nơi đây còn được biết đến với bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đồng bằng Bắc Bộ và những nét riêng độc đáo.

Đó là hệ thống di tích khá dày đặc với 266 đình, đền, chùa... trong đó nhiều di tích du khách trong, ngoài nước biết đến như đình Nội, xã Bình Minh, thờ Quốc tổ Lạc Long Quân với lễ hội được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thanh Oai có 51 làng nghề được công nhận, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước. Ngoài ra, địa phương này còn được du khách biết đến làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê) nằm bên bờ sông Nhuệ với nhiều nét kiến trúc, văn hóa, lịch sử đặc trưng còn lưu giữ đến ngày nay.

Huyện Quốc Oai đang được biết tới là nơi có nhiều tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử và tôn giáo, chùa Thầy (xã Sài Sơn) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Gần đó là đình So (xã Cộng Hòa) được mệnh danh là "đệ nhất đình Đoài" với những giá trị mỹ thuật riêng có…

Về các giá trị văn hóa, lịch sử còn kể tới những điểm tiêu biểu như: Thành cổ Sơn Tây, đền Và (thị xã Sơn Tây), đình Chu Quyến, hệ thống đền Hạ - đền Trung - đền Thượng (huyện Ba Vì), đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín)…

Cần tăng cường liên kết, tạo tour điểm đến

‘Đánh thức’ tiềm năng du lịch ngoại thành - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp du lịch thăm quan, khảo sát tại làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: VGP/Thành Nam

Đánh giá tiềm năng du lịch khu vực ngoại thành, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu rõ, với tiềm năng sẵn có, du lịch Hà Nội có thể tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, đưa đến sự khác biệt so với các địa phương khác.

Đồng tình với đánh giá này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang chia sẻ, hiện người dân khu vực nội thành có xu hướng di chuyển ra ngoại thành để nghỉ dưỡng, trải nghiệm, nên việc phát triển du lịch gắn với nông thôn sẽ là một trong những giải pháp vực dậy ngành du lịch sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

Để phát huy tiềm năng dồi dào của vùng ven đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng, điều cần thiết là các địa phương cần quy hoạch, phân tích rõ tiềm năng, đẩy mạnh phát triển những sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của địa phương.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các địa phương cần tăng cường sự hợp tác, liên kết với doanh nghiệp du lịch trong việc tạo tour kết nối các điểm đến, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc du khách và sự phát triển của thị trường.

Đồng tình với phân tích này, Giám đốc điều hành Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, khu vực ngoại thành có nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử, để thu hút du khách cần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt có tính trải nghiệm, tương tác cao.

Trước mắt cần tập trung xây dựng 2 sản phẩm chính là du lịch làng nghề và du lịch nông nghiệp. Nhưng để làm được điều này cần liên kết chặt chẽ với khu vực nội thành để hình thành tour, tuyến hợp lý, có tính liên thông cao, có thể khai thác ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng bên cạnh việc xây dựng tour, cần phải đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến, thúc đẩy du lịch cộng đồng, tạo sự liên kết giữa di sản - làng nghề - các điểm tham quan, nghỉ dưỡng.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, du lịch ngoại thành là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô, để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cần hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo sự liên kết chặt chẽ để biến tiềm năng thành "đòn bẩy" thu hút khách du lịch…

Thành Nam

Top