Đề xuất giải pháp đáp ứng nhu cầu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập

12/07/2023 6:18 PM

(Chinhphu.vn) - Để công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới được công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thành phố một số giải pháp.

Đề xuất giải pháp đáp ứng nhu cầu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập - Ảnh 1.

Sở đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc và áp dụng cơ chế đặc thù là cho phép tăng 10% số lớp/trường. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hằng năm, do sự tăng dân số cơ học nên số học sinh dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn Thành phố tăng nhanh, trong khi đó số trường, lớp bổ sung, xây mới chưa đáp ứng kịp thời cho người dân Thủ đô.

Do vậy, Sở đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc và áp dụng cơ chế đặc thù là cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 05 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 05 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng hằng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.

Hiện nay mặc dù đã được quan tâm đầu tư, mua sắm, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đào tạo của thị trường lao động Thủ đô, đặc biệt đối với những ngành nghề mới, đòi hỏi công nghệ cao theo nhu cầu của xã hội. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề xuất UBND Thành phố và các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm GDNN-GDTX công lập.

Sở cũng đề nghị cần có cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ của trung tâm GDNN-GDTX trong tình hình mới như: Đầu tư, phát triển trung tâm GDNN-GDTX thành trung tâm đào tạo, học tập suốt đời, chất lượng cao; cho phép thí điểm liên kết đào tạo với trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân Thủ đô; định hướng phát triển giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp giống như hệ thống giáo dục của một số nước, có thể liên thông lên đại học.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, trước mắt, nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 07 nhóm giải pháp chính. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021-2025 đã được UBND Thành phố ghi vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp theo Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố và trong các khu đô thị, khu nhà ở trênđịa địa bàn Thành phố, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học; tham mưu UBND Thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tham mưu xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp. Tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường Cao đẳng và trường Đại học ra khởi khu vực nội đô ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn Thành phố, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn Thành phố nhằm điều hòa hợp lý, đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Cùng với đó, Sở sẽ báo cáo và tham mưu Thành phố tăng cường nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học theo hướng đồng bộ, kiên cố hoá, hiện đại hoá và chuẩn hóa. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.

Trong những năm qua Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày càng phát triển cả về quy mô trường, lớp và học sinh. Năm học 2022 - 2023 toàn Thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục với 64.792 lớp; có 2.177.000 học sinh; có 122.968 giáo viên và 65.264 phòng học, bình quân 33,6 học sinh/lớp. Trong đó, công lập có 2.245 trường với 48.550 lớp, 1.855.307 học sinh, 89.078 giáo viên và 46.962 phòng học, bình quân 38,2 học sinh/lớp; trường Tư thục có 537 trường với 15.580 lớp, 300.860 học sinh, 32.225 giáo viên và 17.582 phòng học, bình quân 19,3 học sinh/lớp; trường hiệp quản và công lập tự chủ có 09 trường với 10.068 học sinh; 01 trường phổ thông dân tộc nội trú.

Minh Anh

Top