Định Công-Làng nghề cổ có truyền thống chế tạo kim hoàn

26/01/2025 8:18 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội nổi tiếng là Thành phố hàng nghìn năm tuổi và sở hữu nền văn hóa di tích lịch sử rộng lớn với nhiều làng nghề, nghề truyền thống độc đáo của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến nghề kim hoàn-đây là một trong nghề lâu đời, thuộc nhóm nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đem lại giá trị kinh tế lớn của Thăng Long-Hà Nội.

Định Công-Làng nghề cổ có truyền thống chế tạo kim hoàn- Ảnh 1.

Sản phẩm Đậu Bạc của Định Công được trưng bày tại các triển lãm. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Làng Định Công xưa vốn sở hữu một nghề trong "tứ nghệ tinh" của đất cũ Thăng Long: "Lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã", ý chỉ là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long. Làng nghề Định Công thuộc phường Định Công ngày nay (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, lọt thỏm giữa những tòa cao ốc trọc trời thì mảnh đất Định Công nhỏ bé giữa lòng Thủ đô vẫn còn lưu lại những vết tích lịch sử quý giá về một thời kỳ hưng thịnh của văn hóa nước nhà.

Tương truyền, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) có ba anh em người làng: Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa, cha mẹ mất sớm. Khi quân Lương kéo đến xâm lược, 3 anh em phải chạy loạn ra nước ngoài lưu lạc và đều học được nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc. Hòa bình trở lại, ba anh em trở về gặp lại nhau, vui mừng mở chung hiệu lấy tên là "Kim Hoàn".

Những sản phẩm vàng bạc do ba anh em làm ra đều rất tinh xảo với những hoa văn, họa tiết trang trí đầy tỉ mỉ, gây nức tiếng gần xa. Sau này, cả ba anh em đã truyền dạy nghề cho dân làng Định Công và truyền thống làm nghề vàng bạc. Để ghi nhớ công ơn, dân làng đã lập đền thờ ba vị Tổ Nghề. Vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội tri ân ba vị tổ nghề rất trang trọng.

Trải qua năm tháng, thợ Kim Hoàn Định Công nổi tiếng khéo tay, tài hoa và có nhiều lương công (thợ giỏi). Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất kinh kỳ xưa, nhiều Nghệ nhân được vào làm việc cho Triều Đình.

Nghệ nhân làng Định Công nổi tiếng cả nước bởi kỹ thuật đậu kim hoàn, vì thế dân trong nghề gọi làng Định Công là "hàng đậu" và nghề đậu bạc đã gắn liền với người dân trong làng qua nhiều thế hệ. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: trơn, đấu, chạm, đậu. Trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết lên mặt trang sức, vàng, bạc. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức. Mỗi một sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng.

Nghệ nhân đậu bạc Quách Phan Tuấn Anh chia sẻ, để có được một sản phẩm bạc đậu, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỉ mỉ. Người thợ đậu có tay nghề cao là khi tất cả các hoa văn đính trên sản phẩm phải đều nhau, không được lộ ra những mối hàn.

Ngoài các dòng đậu bạc phổ biến như: Nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vòng, trâm cài áo, trâm cài tóc…, các nghệ nhân đã phát triển thêm dòng sản phẩm lưu niệm là tranh Đậu bạc. Họ đã đưa những hình ảnh văn hóa gắn với biểu tượng của Hà Nội lên tranh như: Hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ, Chùa Một Cột…

Định Công-Làng nghề cổ có truyền thống chế tạo kim hoàn- Ảnh 2.

Biểu tượng chùa Một Cột được nghệ nhân làng nghề Định Công chế tác rất tỉ mỉ. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số gia đình theo nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tiền công làm ra chẳng đáng kể so với các ngành nghề khác nên nhiều gia đình gác nghề đậu bạc lại để chuyển đổi sang công việc "dễ thở" hơn. Đi dọc phố Định Công, những xưởng đậu bạc ngày xưa, nay đã không còn, thay vào đó là những hàng quán, cửa hiệu khang trang mọc san sát nhau.

Mặc dù vậy các sản phẩm đậu bạc của Định Công vẫn được khách hàng cũng như các chuyên gia đánh giá rất cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật. Tại các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn quốc, sản phẩm Đậu Bạc của Định Công đã giành rất nhiều giải cao như Nhất, Nhì, Ba.., sản phẩm mẫu mã đa dạng, kết hợp nhiều chất liệu như đá quý, gỗ, sơn mài, thân thiện kỹ thuật độc đáo, tinh xảo nên được khách hàng ưa chuộng, được sử dụng nhiều làm quà tặng.

Các sản phẩm có chủ đề đa dạng, tính ứng dụng cao từ các sản phẩm trang sức như nhẫn, vòng, hoa tai, sản phẩm trang trí như bức tranh nhiều chủ đề, các lô gô, đồ trưng bày, sản phẩm ứng dụng như ví, hộp đựng card, khay, đĩa,...

Hiện nay, trên địa bàn phường có 10 hộ sản xuất và kinh doanh Kim Hoàn với 30 nhân công, trong đó làm nghề Đậu bạc là 3 hộ (15 nhân công, thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/tháng trở lên).

Nghề Đậu bạc định công có 4 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, gồm: 1 Nghệ nhân nhân dân (Quách Văn Hiểu), 1 Nghệ nhân ưu tú (Quách Văn Trường) (đã mất năm 2022) và 2 Nghệ nhân, con của 2 nghệ nhân trên (Quách Văn Tú, Quách Phan Tuấn Anh) được UBND thành phố Hà Nội công nhận.

Các nghệ nhân đã và đang là người giữ hồn cho nghề đậu Bạc truyền thống duy trì và phát triển. Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công do hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý thành lập có 25 thành viên. Có khoảng 10 hộ kinh doanh là người Định Công ra bên ngoài sản xuất kinh doanh Kim Hoàn trong và ngoài Hà Nội. Dịp lễ hội truyền thống hằng năm có khoảng 50 hộ sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp về dâng hương tại đền thở Tổ nghề Kim Hoàn.

Những nghệ nhân, thợ trẻ đã nhanh chóng nắm bắt được những bí quyết làm nghề và trở thành thợ giỏi. Trước nguy cơ nghề truyền thống quý báu của địa phương bị mai một trầm trọng, các nghệ nhân rất tích cực trong việc dạy truyền nghề cho nhân dân trong và ngoài địa phương có tình yêu nghề, muốn gắn bó phát triển nghề Đậu Bạc bằng nhiều hình thức.

Nghề truyền thống đậu bạc Định Công cũng là một trong các nghề truyền thống của quận Hoàng Mai, là di sản phi vật thể của thành phố và đất nước, cần được giữ gìn và phát huy giá trị.

Vinh dự hơn khi tháng 9/2024, Nghề truyền thống đậu bạc Định Công đã vinh dự được nhận Bằng công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công".

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng khẳng định, đây không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân, thợ kim hoàn và nhân dân phường Định Công. Nghề kim hoàn Đậu bạc đã có lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với những câu chuyện đầy tự hào về những người thợ tài hoa nơi đây.

Để bảo tồn và phát triển nghề đậu bạc Định Công, hiện quận Hoàng Mai đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực như mở lớp đào tạo nghề từ cơ bản đến nâng cao, tuyên truyền giáo dục về giá trị văn hóa của nghề tại các trường học trên địa bàn. Đồng thời, quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử để thu hút khách hàng trong nước và quốc tế.

Diệu Anh

Top