Đưa Di sản Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến hấp dẫn

28/10/2022 11:07 AM

(Chinhphu.vn) - Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội hiện đang tập trung nghiên cứu toàn diện về khu di sản Hoàng thành Thăng Long, làm cơ sở khoa học để lập, thực thi các dự án bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, các sản phẩm lưu niệm quà tặng mang dấu ấn riêng của di sản.

Đưa Di sản Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến hấp dẫn - Ảnh 1.

Việc nghiên cứu khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long được tiến hành hằng năm, luôn phát hiện những giá trị mới - Ảnh: VGP

Đầu tư các công trình nhằm thay đổi diện mạo, nâng cao vị thế của Di sản

Việc đầu tư cho di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội và di tích đặc biệt quốc gia Khu di tích Cổ Loa đã được Thành ủy, UBND Thành phố quan tâm ngay từ những ngày đầu mới được công nhận, song sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô ra đời thì càng rõ nét và cụ thể hơn.

Triển khai Nghị quyết này, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, Trung tâm đang nỗ lực và quyết tâm để phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Với nhiệm vụ là cơ quan quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, đơn vị đã tập trung triển khai nghiên cứu, đầu tư các công trình tại Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội và Khu di tích Cổ Loa đảm bảo phù hợp với quy định của quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa thế giới, nhằm thay đổi diện mạo và nâng cao vị thế của Di sản.

Theo đó, 5 công trình được Thành phố đưa vào danh mục đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 gồm có: Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long; Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.132 tỷ đồng.

Có 3 công trình được Thành phố đưa vào danh mục triển khai thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 gồm có: Phục dựng Điện Kính Thiên; Đền thờ Ngô Quyền; Bảo tồn, phục dựng Hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa, với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.161 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, có 4/8 dự án đã được HĐND Thành phố phê duyệt Chủ trương đầu tư và ghi vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 (Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; Đền thờ Ngô Quyền (giao UBND huyện Đông Anh thực hiện). có 2/8 dự án sẽ hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình HĐND Thành phố tại kỳ họp cuối năm 2022 (Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long; Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao).

Trung tâm cũng đang triển khai các nội dung nhằm đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án phục dựng Điện Kính Thiên và Bảo tồn, phục dựng Hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa.

Trung tâm hiện đang tập trung nghiên cứu toàn diện về khu di sản, làm cơ sở khoa học để lập, thực thi các dự án bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, các sản phẩm lưu niệm quà tặng mang dấu ấn riêng của di sản như: Tiếp tục khai quật khảo cổ học; nghiên cứu cơ bản về di sản, trong đó tập trung vào việc sưu tầm, dịch các tư liệu liên quan, các nghiên cứu về kiến trúc và trang trí mỹ thuật cung đình. Nghiên cứu đánh giá giá trị phi vật thể của di sản như: Các hình thức diễn xướng, các lễ hội, nghề truyền thống; trang phục, ẩm thực; các nghi lễ cung đình…

Ngoài ra, nghiên cứu đánh giá giá trị của các di tích lịch sử cách mạng: như nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật trưng bày bổ sung tại các di tích cách mạng kháng chiến trong Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, liên hệ nhân chứng liên quan tới các di tích lịch sử cách mạng; Nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản vật liệu tại di sản.

Đưa Di sản Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến hấp dẫn - Ảnh 3.

Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" - Ảnh: VGP

Thúc đẩy quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội hiện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch song song với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ khách tham quan.

Cụ thể là phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí để kết nối, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa. Việc quảng bá di sản đã được lồng ghép trong chiến lược phát triển du lịch Hà Nội với việc tham gia vào các sự kiện du lịch của Hà Nội.

Tổ chức các sự kiện thường niên (gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thể) tạo thành hoạt động, sự kiện mang thương hiệu để công chúng biết và tham dự như: lễ Khai xuân dịp Tết Nguyên đán, Tết Việt, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Cổ Loa…

Đẩy mạnh chương trình "Giáo dục di sản" tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa (do Trung tâm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện) tạo sân chơi hấp dẫn để các cháu học sinh, sinh viên được thực hành, trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử. 

Phát triển kinh tế ban đêm bằng sản phẩm Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" và các hoạt động phục trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế lưu trú tại Thủ đô.

Để thu hút, đang dạng sản phẩm du lịch, Trung tâm đã ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm hướng đến nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Việc trưng bày, triển lãm được thực hiện dưới nhiều hình thức, bên cạnh các trưng bày thực tế, còn tổ chức các trưng bày online, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn giá trị của khu di sản. Công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan đã được chuẩn hóa cũng như áp dụng công nghệ mới tiên tiến, kết hợp âm thanh, phim, ảnh, những hỗ trợ kỹ thuật số cho phép khách tham quan tự tìm hiểu, khám phá và có thể tương tác qua màn hình.

Việc giới thiệu về di sản đã được thực hiện dưới các hình thức như công bố các tư liệu, hồ sơ lưu trữ; xuất bản các ấn phẩm, kết quả nghiên cứu về khu di sản; xây dựng trang web làm công cụ giáo dục, kết nối giữa di sản với cộng đồng.

Với mục tiêu đưa Di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội, Trung tâm xác định xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với hoàng cung và lịch sử hình thành, phát triển của Hà Nội: Đa dạng hóa các bảo tàng, khu vực trưng bày ngoài trời và các không gian sáng tạo; ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong giới thiệu, trưng bày và thuyết minh và quảng bá giá trị di sản; đa dạng hóa và tăng cường tính tương tác của nội dung trưng bày; đa dạng hóa các chương trình giáo dục di sản, tăng cường trải nghiệm thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, đến năm 2025, các dự án tại Hoàng thành Thăng Long (Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long…) và Khu di tích Cổ Loa (Đền thờ Ngô Quyền; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu) sẽ hoàn thành, cùng với việc hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ mang tính đặc thù riêng và 02 di sản văn hóa này nhất định sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô.

Cũng theo lộ trình, đến năm 2030, việc hoàn thành dự án Phục dựng Điện Kính Thiên và Bảo tồn, phục dựng Hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa sẽ tạo được dấu ấn đặc sắc của Thành phố.

Gia Huy

Top