Giám sát của HĐND đổi mới hoạt động theo hướng thực chất, rõ kết quả

20/11/2023 3:15 PM

(Chinhphu.vn) - Nội dung giám sát, giám sát chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của Thành phố.

Giám sát của HĐND đổi mới hoạt động theo hướng thực chất, rõ kết quả- Ảnh 1.

HĐND TP. Hà Nội giám sát chuyên đề về hực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tại quận Bắc Từ Liêm - Ảnh: VGP

Lựa chọn vấn đề giám sát gắn với thực tiễn

Đối với hoạt động giám sát của HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Thường trực HĐND đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hay để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của Luật và tình hình thực tiễn của Hà Nội.

Thành uỷ Hà Nội cũng đã ban hành Đề án về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội", qua đó, hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI vào tháng 7/2013, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá : "Thời gian qua đã có một ‘làn gió tươi mới’ trong kết quả hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố, mà Thủ đô Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu, điển hình".

Nét tiêu biểu, điển hình được Chủ tịch Quốc hội nêu là hoạt động của HĐND Thành phố có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả. Hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm; tăng giải trình, làm rõ vấn đề phức tạp, bất cập; tăng cường giám sát của các Ban, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, bảo đảm thực chất, định rõ kết quả, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, ngày càng công khai, minh bạch hơn…

Còn Chủ tịch HĐND. TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hoạt động giám sát của HĐND TP. Hà Nội thời gian qua tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri quan tâm. Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội khẳng định, nhiều nội dung quan trọng cũng đã được HĐND TP và các quận, huyện, thị xã cùng tổ chức giám sát như: Giao thông đô thị, triển khai các công trình trọng điểm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác quy hoạch... Từ đó, lan tỏa, tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát xuyên suốt đến tận cơ sở và phát huy hiệu quả.

Hoạt động chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND, giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND Thành phố bảo đảm đúng luật và tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, được triển khai linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố. Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND Thành phố, căn cứ tình hình thực tiễn của thành phố, Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo, triển khai chương trình giám sát theo hướng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với thực tiễn.

Nắm bắt những hạn chế, khó khăn để có giải pháp tháo gỡ

Từ đầu năm đến nay, HĐND Thành phố đã tổ chức nhiều đoàn giám sát ở nhiều lĩnh vực, đây là những nội dung được người dân quan tâm. Nội dung giám sát đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của thành phố.

Tiêu biểu là HĐND Thành phố giám sát nhiều nội dung nổi bật như: Hoạt động quản lý Nhà nước đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đấu giá; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị; thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; những cơ chế chính sách đặc thù để lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm; khảo sát công tác tuyển sinh đầu cấp; việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và việc cải tạo, xây dựng mới trường mầm non…

Tiêu biểu là nội dung giám sát về thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị tại quận Tây Hồ, quận Thanh Xuân, Sở Xây dựng…, nhiều hạn chế đã được nêu lên. Quận Thanh Xuân nêu còn nhiều khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực giao thông đô thị do thực trạng hạ tầng giao thông có nhiều tuyến phố có chiều rộng đường và hè nhỏ, trong khi các dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn chưa triển khai được do vướng về cơ chế, chính sách đầu tư. Quận Hoàn Kiếm cho biết là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, dịch vụ, du lịch của Thủ đô, nên thu hút rất nhiều du khách, thương nhân đến tham gia kinh doanh buôn bán, tham quan du lịch cho nên gây ra sự quá tải về hạ tầng kĩ thuật đô thị, dễ gây bức xúc cho nhân dân. Là đô thị cổ, cũ đã hình thành từ rất nhiều năm nên hạ tầng kĩ thuật đô thị, hạ tầng xã hội của quận Hoàn Kiếm đều bất cập, nhiều vấn đề không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định hiện tại của nhà nước.

 Đoàn giám sát về nội dung này tại Sở Xây dựng đã nêu còn nhiều tồn tại, nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra như công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật còn nhiều vướng mắc tồn tại dẫn đến ảnh hưởng trong giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố như: Việc quản lý vận hành hệ thống thoát nước và các trạm xử lý thoát nước chưa đồng bộ, nhiều điểm úng ngập chưa được giải quyết dứt điểm; Công tác bàn giao quản lý, tiếp nhận sau đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp đã được Sở tổ chức thực hiện nhưng còn chậm, còn tồn tại nhiều vướng mắc trong việc xử lý chuyển tiếp tại các địa phương,...

Giám sát về triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn tại quận Tây Hồ và các sở, ngành, Đoàn giám sát đều yêu cầu các đơn vị làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc hiện tại đối với công tác giải phóng mặt bằng; công tác tuyên truyền vận động và hoạt động phối hợp giữa các cơ quan đơn vị chức năng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, phát triển đô thị; công tác hoàn thiện đầu tư hạ tầng giao thông, các bãi đỗ xe; công tác quản lý giao thông với những biện pháp mạnh nhằm đưa trật tự giao thông ổn định, thông thoáng.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội cũng nêu việc triển khai thực hiện đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm còn một số khó khăn, vướng mắc: Danh mục dự án giai đoạn 2021-2025 được xác định tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 và liên tục được cập nhật, bổ sung tại các kỳ họp của HĐND Thành phố trong năm 2022, 2023. Đáng chú ý, một số dự án đến năm 2022, 2023 mới được giao nhiệm vụ lập chủ trương đầu tư. Trong khi đó, công tác triển khai một số dự án còn chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng do công tác đền bù, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn vướng mắc; chậm bàn giao nhà tái định cư; trang thiết bị y tế cho các dự án có nhiều vướng mắc về định mức sử dụng còn thiếu hoặc chưa được phê duyệt...

Từ những tồn tại, khó khăn ở nhiều lĩnh vực được giám sát, các đoàn Giám sát của HĐND TP. Hà Nội sẽ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, UBND Thành phố để chỉ đạo giải quyết, xây dựng kế hoạch, lộ trình để từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, đúng thời gian và quy định.

Gia Huy

Top