Tiếp tục giám sát chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực

04/05/2023 10:15 AM

(Chinhphu.vn) - HĐND TP. Hà Nội đang tiếp tục giám sát chuyên đề nhằm ghi nhận những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc, từ đó có giải pháp tháo gỡ trong việc thực hiện chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực tại địa bàn Thủ đô.

Tiếp tục giám sát chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực - Ảnh 1.

Ban Đô thị, HĐND Thành phố khảo sát Trạm quan trắc môi trường không khí đặt tại Chi cục Bảo vệ Môi trường, quận Cầu Giấy - Ảnh: HĐND TP. Hà Nội

Quan tâm phát triển, ưu tiên nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc

Giám sát chuyên đề là một trong những hoạt động nổi bật của HĐND TP. Hà Nội được cử tri, các đại biểu HĐND các cấp đánh giá cao trong thời gian qua.

Trong quý I/2023, Một trong những nội dung giám sát chuyên đề được Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố tổ chức là tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thủ đô Hà Nội (giai đoạn 2021 - 2025). 

Huyện Ba Vì được chia thành 3 vùng: Vùng núi, vùng đồi gò và vùng đồng bằng ven sông. Trong đó, khu vực miền núi có 7 xã (toàn huyện có 31 xã thị trấn). Đến nay, các chương trình, dự án đầu tư được triển khai đảm bảo đúng đối tượng, đúng danh mục đầu tư được phê duyệt trong kế hoạch, dự án được triển khai lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định Nhà nước.

Huyện được giao 40 dự án với tổng kinh phí là 500 tỷ đồng. Đến nay, đã bố trí 423 tỷ đồng cho 37 dự án, trong đó 23 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán (thuộc 4 lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế, thủy lợi) với tổng kinh phí 290,3 tỷ đồng); 1 dự án đã hoàn thành quyết toán với tổng kinh phí 14 tỷ đồng...Các dự án trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng núi. 

Tuy nhiên, Đoàn giám sát đánh giá chương trình giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống của nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện; điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện cũng còn nhiều khó khăn.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội còn tiếp tục khảo sát thực tế tại một số xã thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Từ những cuộc khảo sát sẽ làm rõ kết quả đạt được và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; tổng hợp những đề xuất, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền tiếp tục có các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống

Giám sát việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại một số huyện trên địa bàn, Ban Kinh tế-Ngân sách của HĐND TP. Hà Nội đánh giá Chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại huyện Phúc Thọ, huyện đã xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, trọng tâm là các sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao, an toàn theo hướng xuất khẩu; hỗ trợ máy móc thiết bị bảo quản, chế biến nông sản… Hỗ trợ kinh phí mua giống hoa, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản… Việc hỗ trợ đã tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, bước đầu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao; hình thành được vùng chuyên canh sản xuất hoa đem lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến năm 2022, số mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện được hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của HĐND Thành phố còn ít, quy mô nhỏ, kinh phí hỗ trợ cả 3 năm mới đạt trên 2 tỷ đồng. Nếu so với nhu cầu và yêu cầu phát triển nông nghiệp của huyện thì kết quả hỗ trợ là rất thấp. Do đó, huyện kiến nghị Thành phố nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng; có cơ chế hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tại huyện Quốc Oai, đơn vị cho biết, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố, huyện đã phát triển các mô hình khuyến nông và mô hình nông nghiệp như: Sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy vụ mùa tại xã Đồng Quang; sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn tại xã Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch; triển khai chăn nuôi bò sinh sản năm thứ 2 tại xã Sài Sơn; hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại xã Sài Sơn; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao… Phát triển vùng sản xuất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chủ lực là nhãn chín muộn, ổi, bưởi Diễn.

Giá trị thu nhập trung bình của các khu trồng cây ăn quả đạt 280-300 triệu đồng/ha, nhiều mô hình cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập trung bình 350-400 triệu đồng/ha.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho sản xuất, huyện đề nghị HĐND Thành phố sửa đổi về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn như sửa đổi và bổ sung các chính sách về hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; cho vay vốn dài hạn hơn để khuyến khích người dân đẩy mạnh đầu tư sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn.

Đối với huyện Gia Lâm, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng giảm dần diện tích trồng lúa màu có giá trị kinh tế thấp sang trồng hoa cây cảnh, cây ăn quả, rau an toàn có giá trị kinh tế cao hơn. Một số xã tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh là Kim Sơn, Phù Đổng, Trung Mầu, Phú Thị, Đa Tốn, Dương Xá.

Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng và qua các mô hình thí điểm đã hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng nông nghiệp sinh thái hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc.

Từ năm 2019-2022 huyện đã xây dựng mô hình truy suất nguồn gốc (QR Code) cho nông sản thực phẩm tại 12 xã; hỗ trợ đăng ký và cấp giấy chứng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký nhãn hiệu tập thể; xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Tiếp tục giám sát chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực - Ảnh 3.

Ban Kinh tế-Ngân sách của HĐND TP. Hà Nội khảo sát tại huyện Gia Lâm - Ảnh: HĐND TP. Hà Nội

Tăng cường giám sát chính sách pháp luật bảo vệ môi trường không khí

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đang quản lý vận hành 34 trạm quan trắc không khí và 1 xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục tại khu xử lý chất thải Nam Sơn. Trong năm 2022, Sở đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc lắp đặt 2 trạm quan trắc cố định và 30 trạm quan trắc cảm biến trên địa bàn…

Kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc cho thấy, chất lượng môi trường không khí xung quanh có sự khác biệt giữa các loại hình quan trắc. Loại hình quan trắc dân cư nông thôn và làng nghề có chất lượng không khí tốt nhất với tỷ lệ "Tốt" và "Trung bình" lần lượt là 98,6%-99%; loại hình đô thị và cận đô thị, với tỷ lệ "Tốt" là 80,9%, "Trung bình" là 99,5%; loại hình giao thông có tỷ lệ "Tốt" chiếm 63% và "Trung bình" chiếm 96,2%.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và quận Hà Đông tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, giải quyết dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó, có các nội dung về môi trường không khí.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và quận Hà Đông tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, giải quyết dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó, có các nội dung về môi trường không khí.

Còn quận Hoàng Mai cho biết đã có một số giải pháp bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí như xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường. Trong năm 2022, quận đã tổ chức lấy mẫu không khí tại 8 điểm thuộc khu vực công nghiệp Hoàng Mai, 8 điểm thuộc khu vực đường giao thông, khu vực bến xe và 16 điểm thuộc khu vực dân cư. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu phân tích đều đạt giới hạn cho phép quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Đoàn giám sát ghi nhận những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; tiếp tục tham mưu di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô. Sở Giao thông Vận tải đẩy mạnh thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Gia Huy

Top