Giao thông Thủ đô: Dấu ấn một năm nhìn lại

01/01/2024 8:17 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2023 là một trong những năm có sự chuyển biến rõ nét nhất về mọi mặt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Những sự đổi thay mạnh mẽ từ tư duy cho đến hành động của giai đoạn này mở ra hy vọng về bước tiến của cơ sở hạ tầng Thủ đô; tạo nền móng cho sự phát triển toàn diện của giao thông đô thị trong những năm tiếp theo.

Giao thông Thủ đô: Dấu ấn một năm nhìn lại- Ảnh 1.

Việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Ảnh: Internet

"Siêu dự án" Vành đai 4-Vùng Thủ đô

Nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm về giao thông, "siêu dự án" đang thu hút nhiều sự quan tâm là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã chính thức được khởi công ngày 25/6/2023 với tổng chiều dài khoảng 112,8 km. Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Riêng đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, diện tích giải phóng mặt bằng lên đến 798ha ở 7 quận, huyện.

Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Sau hơn 3 tháng khởi công, đến nay, dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô đã phê duyệt và thu hồi đất được gần 92%, các nhà thầu cũng mở 29 mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Dự án còn tạo động lực phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng và Thành phố phía Tây Hà Nội.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh.

Đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. "Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô".

Giao thông Thủ đô: Dấu ấn một năm nhìn lại- Ảnh 2.

Cầu Vĩnh Tuy 2 là công trình quan trọng góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng. Ảnh: VGP/DA

Nhiều công trình giao thông làm thay đổi diện mạo đô thị

Năm 2023, hàng loạt dự án giao thông ở Hà Nội đã khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống giao thông Thủ đô. Ngày 30/8/2023, sau gần 3 năm thi công, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chính thức được khánh thành song song với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (được hoàn thành năm 2010).

Cầu Vĩnh Tuy 2 có chiều dài 3,5km, rộng hơn 19m với 4 làn xe. Cầu được thiết kế 53 nhịp, có điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải-Nguyễn Khoái-Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên-Thạch Bàn (quận Long Biên).

Đây là cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng của Hà Nội và là cây cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt. Cầu Vĩnh Tuy 2 là công trình quan trọng góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, dần hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến đường vành đai khác ở Hà Nội.

Kết nối với cầu Vĩnh Tuy là tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Vĩnh Tuy- Ngã Tư Sở) cũng chính thức khánh thành đưa vào sử dụng ngày 11/1/2023. Đường trên cao dài hơn 5 km, rộng 19 m, nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến vành đai 2 có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, phố Đại La, phố Trường Chinh và Ngã Tư Sở.

Giao thông Thủ đô: Dấu ấn một năm nhìn lại- Ảnh 3.
Giao thông Thủ đô: Dấu ấn một năm nhìn lại- Ảnh 4.

Áp lực giao thông giảm sau khi thông xe cầu vượt chữ C. Ảnh: VGP/TL

Cũng trong năm 2023, cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) đã chính thức thông xe vào cuối tháng 6. Kết cấu cầu vượt dạng chữ C theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch dài 318m, rộng 9m. Đây là cầu vượt nhẹ thứ 13 được hoàn thành trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ngoài ra, còn có một số dự án giao thông quan trọng khác như dự án xây dựng hai đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch thuộc đường Vành đai 3 TP. Hà Nội được triển khai trên chiều dài khoảng 700m, khởi công ngày 14/2/2023 và dự kiến hoàn thành ngày 31/3/2024. Hai công trình giao thông này kỳ vọng sẽ tăng năng lực giao thông qua nút giao Mai Dịch, giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội, thúc đẩy thông thương, giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận…

Thẻ, vé liên thông - bước tiến mới cho vận tải hành khách công cộng

Giao thông Thủ đô: Dấu ấn một năm nhìn lại- Ảnh 5.

Thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh. Ảnh: VGP/DA

Cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. Hà Nội thực hiện triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng tại 14 tuyến xe buýt.

Thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông công cộng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường, từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc sớm triển khai triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội là rất cần thiết nhằm giải quyết được kịp thời các tồn tại, bất cập hiện nay; là cơ sở để Thành phố triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách trong tương lai, từ đó thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt.

Đồng thời, đa dạng, tiện lợi hình thức thanh toán, tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ trên xe; từng bước hình thành thói quen cho hành khách trong việc sử dụng hệ thống thanh toán tự động, tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt.

Cuộc "lội ngược dòng" của xe đạp công cộng

Trước đó, đầu tháng 9/2023, 1.000 xe đạp công cộng do Tập đoàn Trí Nam cung cấp đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.

Đánh giá về sự ra đời và đóng góp của mạng lưới xe đạp công cộng tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc phát triển các loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải công cộng khác như đường sắt, xe buýt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa các lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố; từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ để giúp kết nối người dân đến các trạm xe buýt được thuận lợi.

Giao thông Thủ đô: Dấu ấn một năm nhìn lại- Ảnh 6.

Người dân Thủ đô dần ưu thích sử dụng loại hình phương tiện xe đạp công cộng. Ảnh: VGP/TL

Sau hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, xe đạp công cộng đã có hơn 100.000 người đăng ký, với gần 135.000 chuyến đi, cho thấy sự ưa thích của người dân.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục đề xuất với Thành phố kế hoạch thí điểm hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp công cộng. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để loại hình phương tiện giao thông xanh này dần thay thế xe cơ giới cá nhân.

Có thể thấy, "Đường mở tới đâu, đô thị theo tới đó", sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông cũng được cải thiện đáng kể. Từ chỗ chỉ có cây cầu di sản Long Biên được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành năm 1985, đến nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu lớn, như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Thịnh…

Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, bằng sự quyết tâm không ngừng nghỉ, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.

Diệu Anh

Top