Hà Nội sẵn sàng cho năm học mới
(Chinhphu.vn) - Ngày mai (5/9), hơn 2,2 triệu học sinh Thủ đô bước vào năm học mới 2022-2023 với tinh thần hân hoan, phấn khởi. Ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã chuẩn bị mọi điều kiện để đón học sinh vào năm học mới trong điều kiện mọi hoạt động đã trở lại trạng thái bình thường.
Chất lượng giáo dục các cấp ngày càng được nâng cao
Ở năm học mới này, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, tính đến hết tháng 6/2022, toàn Thành phố có 2.835 trường, gần 70.200 lớp, hơn 2,2 triệu học sinh; trên 138.000 giáo viên; trên 72.700 phòng học. Hà Nội còn có 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn Thành phố, với gần 1 triệu sinh viên, học viên. Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Hà Nội hiện đang tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023; tổ chức biên soạn, thẩm định, tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình quy định.
Cấp tiểu học tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1,2; Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 3,4,5 định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các cơ sở giáo dục thực hiện đánh giá thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học.
Đến nay, 100% trường tiểu học ưu tiên thực hiện đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, giảm sĩ số học sinh/lớp đối với học sinh lớp 1, 2; bảo đảm tỉ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tổ chức các hoạt động củng cố để học sinh tự hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương.
Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có 07 giải Nhất, 37 giải Nhì, 33 giải Ba và 48 giải Khuyến khích; tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng với 63 huy chương, giải thưởng.
Tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, trường học
Đến thời điểm này, các trường học ở Thủ đô Hà Nội đều đã sẵn sàng đón học sinh tựu trường, chào năm học mới 2022-2023.
Tại quận Hoàng Mai, nơi có trường mầm non Hoàng Liệt vừa phải tổ chức bốc thăm để tuyển sinh, Phó Chủ tịch quận Trần Quý Thái cho biết, quận Hoàng Mai năm học 2022-2023 có tổng số 89 trường học, trên 2.000 lớp học (tăng 79 lớp so với năm học trước); có trên 98.000 học sinh (tăng 1.760 học sinh). Trong đó, khối trường công lập có trên 79.600 học sinh (tăng trên 3.700 học sinh), trên 1.700 lớp.
Theo ông Trần Quý Thái, với số học sinh công lập là trên 79.600 học sinh, để bảo đảm đúng quy đình về số học sinh/lớp thì toàn ngành giáo dục quận Hoàng Mai còn thiếu 36 trường (mầm non 22 trường, tiểu học 13 trường, THCS 1 trường).
Ở năm học trước, quận xây mới, đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường (10 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng 4 trường (tiểu học Hoàng Mai, tiểu học Linh Đàm, THCS Hoàng Mai, THCS Linh Đàm). Theo ông Trần Quý Thái, qua rà soát, các quỹ đất quy hoạch trường học trên địa bàn quận còn nhiều, đã được Thành phố giao các chủ đầu tư, tuy nhiên các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng trường kéo dài trong nhiều năm. Số ô đất đã được giao chủ đầu tư nhưng chưa được xây dựng là 59 ô quy hoạch trường học.
Tại quận Ba Đình, địa bàn quận hiện nay có 66 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trong đó, mầm non gồm 32 trường (20 trường công lập, 02 trường tự quản, 10 trường tư thục); tiểu học gồm 20 trường (17 trường công lập, 03 trường ngoài công lập); trung học cơ sở gồm 14 trường (12 trường công lập, 02 trường ngoài công lập).
Tính đến hết năm 2021, toàn quận có 40/49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 82%. Trong đó, cấp trung học cơ sở có 10/12 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 83,3%; cấp tiểu học có 15/17 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 88,2% (trong đó có 04 trường tiểu học: Hoàng Diệu, Kim Đồng, Thành công B, Hoàng Hoa Thám đạt chuẩn quốc gia mức độ 2).
Kế hoạch năm học 2022-2023 của quận Ba Đình là công nhận mới 1 trường chuẩn, công nhận lại 4 trường chuẩn quốc gia. Đồng thời, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đào tạo bồi dưỡng.
Đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư cải tạo, xây dựng mới trường học là nội dung Thành phố và ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Năm học 2021-2022, khối các trường trực thuộc Sở đã được Thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp với tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 45 trường với tổng kinh phí khoảng 166 tỷ đồng; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.
Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học, với tổng mức đầu tư khoảng 1.965 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa được 560 trường học các cấp học với tổng mức đầu tư khoảng 4.842 tỷ đồng; bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6; bố trí kinh phí mua sắm bổ sung dự kiến khoảng 706 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quận, huyện, thị xã và kinh phí hỗ trợ của Thành phố.
UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025, trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo dự kiến đầu tư 653 dự án với kế hoạch vốn trên 20.913 tỷ đồng.
Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ phối hợp các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2022 (công nhận mới 70 trường chuẩn Quốc gia). Sắp xếp lại hệ thống các trường học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn có điều kiện. Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố.
Huy Hà