Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra công vụ
(Chinhphu.vn) - Năm 2024, Hà Nội đã tạo chuyển biến căn bản về trong đội ngũ cán bộ, công chức về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Tăng kiểm tra công vụ đột xuất
Theo UBND TP. Hà Nội, trong năm 2024, để hoạt động công vụ có hiệu quả, Thành phố đã ban hành các Chương trình, Kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" theo tinh thần 3 rõ "Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; Rõ thẩm quyền, trách nhiệm; Rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Một trong những nổi bật của công tác cán bộ của Thành ủy Hà Nội năm 2023 là chỉ đạo thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở Thành phố và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025
Đến hết quý III/2024, Thành phố đã thực hiện luân chuyển, điều động 300 trường hợp, trong đó có 97 Trưởng phòng và tương đương, trên 200 Phó Trưởng phòng và tương đương.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện kiểm tra công vụ đối với lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Trong năm 2024, toàn Thành phố thực hiện trên 300 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố thực hiện 27 cuộc kiểm tra đột xuất, 2 cuộc kiểm tra theo chỉ đạo; các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị hiệp quản trên địa bàn Thành phố thực hiện 270 cuộc.
Nội dung kiểm tra giám sát tập trung vào việc thực hiện kỷ cương hành chính, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, chấp hành nội quy, quy chế làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan; việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, kết luận chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Sau kiểm tra đều ban hành thông báo, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại.
Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu về tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện và vượt qua khó khăn, thử thách vì công việc chung; gắn kết chặt chẽ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị với trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả hoạt động của đơn vị mình. Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức theo mức độ vi phạm (nếu có), kịp thời thay thế, điều chuyển khi không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với mô hình quản lý chính quyền đô thị và các quy định mới của Luật Thủ đô năm 2024.
Nhiều cơ chế, chính sách được triển khai như: Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030" tập trung vàonội dung sau: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ, công chức, viên chức để hình thành đội ngũ chuyên gia ở một số lĩnh vực Tài chính - Kế hoạch; Quản lý nguồn nhân lực; Quản lý và phát triển đô thị; Công nghệ thông tin; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và đào tạo; Y tế với tổng số 141 lớp và 2.820 lượt học viên.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức còn ít nhất 5 năm công tác ở một số lĩnh vực quản lý phát triển đô thị; quản lý đất đai; Văn thư lưu trữ; quản lý trường học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trường học; quản lý, phát triển bệnh viện và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển bệnh viện; khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực quản lý nhà 5 nước, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống và trách nhiệm người đứng đầu cho Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; công tác tổ chức cán bộ với tổng số 189 lớp và trên 6.300 lượt học viên.
Căn cứ tình hình và yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố trong giai đoạn hiện nay, năm 2024, Thành phố đã thực hiện tổ chức 14 lớp bồi dưỡng trong nước cho học viên ở các nội dung: Kinh nghiệm quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại; quản lý, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch Thủ đô; quản lý, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp hiện đại; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực…
Thực hiện Luật Thủ đô ngày 28/6/2024, UBND Thành phố báo cáo, đề xuất và được HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết quy định về nội dung chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố áp dụng từ 1/1/2025.
Theo UBND TP. Hà Nội, những nội dung này đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Gia Huy