Hà Nội tập trung xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở
(Chinhphu.vn) - Xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở được TP. Hà Nội cụ thể hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và xây dựng: Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Xây dựng thôn, làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới
Sau 2 năm triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025", Ban chỉ đạo Chương trình 06 cho biết đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố; trong triển khai thực hiện đã có nhiều điểm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, toàn diện, nổi bật.
Trong xây dựng gia đình văn hóa, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm tuyên truyền giá trị về văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh.
Việc xây dựng thôn, làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới, Tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh với các phong trào thi đua người tốt, việc tốt, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội… được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Các mô hình Thôn, làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu như: "Thôn, tổ dân phố tự quản", "Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch" được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn Thành phố.
Hằng năm, trên địa bàn Thành phố có 88.0% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63.0% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Các quận, huyện, thị đã tổ chức tốt việc tôn vinh, khen thưởng Gia đình văn hóa, Thôn, Tổ dân phố văn hóa, Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Hội nghị biểu dương người tốt việc tốt, dịp 10/10, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân.
Kết quả công tác xây dựng các mô hình văn hóa thời gian qua ở hầu hết các quận, huyện, thị xã đã không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Tiêu biểu như các đơn vị: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Sơn Tây, Đông Anh, Đan Phượng…
Cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân
Cũng theo Ban chỉ đạo Chương trình 06, kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đóng góp tích cực trong việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thông qua đạt chuẩn tiêu chí về văn hóa.
Cụ thể, đến nay toàn thành phố đã có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây, Phú Xuyên, Mê Linh, Chương Mỹ và Ứng Hòa), 382/382 xã của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong đó 14 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước khi có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện nhiệm vụ này.
Đặc biệt sau 10 năm khi triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới đã có sự chuyển biến rõ nét, lan tỏa những thói quen, hình ảnh đẹp trong đời sống của người dân; cơ bản các đám cưới đã thực hiện đảm bảo theo tiêu chí trang trọng, lành mạnh và tiết kiệm. Một số đơn vị thực hiện tốt trong việc cưới văn minh như: Quận Ba Đình, tỷ lệ 99,3%; quận Long Biên, tỷ lệ 98%; Mỹ Đức tỷ lệ 95%; Sơn Tây, tỷ lệ gần 94%, Chương Mỹ 92%...
Với chính sách hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng nên tỷ lệ các gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân khi mất tăng lên, toàn thành phố đạt tỷ lệ 64% tiêu biểu như: Đông Anh, Hoàn Kiếm, Ba Đình...
Quy hoạch trung tâm văn hóa dọc hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng
Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục rà soát, thống kê thực trạng các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến quận, huyện, xã phường, thôn, tổ dân phố để có lộ trình đầu tư với phương châm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao kết nối giữa các địa phương nhằm xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao, kết hợp với tổ hợp công trình công cộng đa chức năng và không gian cây xanh, công viên để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân.
Kết quả khảo sát, đến quý I/2023, Thành phố có 383 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc quản lý của UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành đoàn thể; 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao với 84 công trình văn hoá, thể thao; 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hoá, thể thao; 4.656/5.469 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 85.0%.
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ văn hóa phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân.
Đối với việc đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ đội ngũ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, trong 02 năm qua đã tiếp tục xây dựng mới 08 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, củng cố và duy trì hoạt động của 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân và 55 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân 35 cụm văn hóa thể thao, tổ chức được 06 chương trình "Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát"; 15 chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp.
Việc quy hoạch hệ thống trung tâm văn hóa dọc hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng đã được Thành phố xác định tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trong quá trình triển khai sẽ xác định cụ thể nhu cầu thiết chế, văn hóa, thể thao trong khu vực. Đối với các trục không gian khác (Trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội; trục Tây hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa; Trung tâm văn hóa Tây hồ Tây; Trung tâm văn hóa quốc gia trên trục hồ Tây - Ba Vì) tiếp tục rà soát, cập nhật vào Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, dự trù quỹ đất cho các nhu cầu văn hóa, trung tâm văn hóa, các không gian sinh hoạt văn hóa…
Thành phố định hướng cụ thể quy hoạch cây xanh đô thị trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với Khu vực nội đô lịch sử: nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có, triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công viên, cây xanh theo quy hoạch các quận, huyện và các dự án phê duyệt phù hợp với quy hoạch chung; đối với Khu vực nội đô mở rộng: xây mới kết hợp với nâng cấp các công viên hiện có, hình thành 3 điểm trọng tâm Hồ Tây và phụ cận, Mỹ Đình, Yên Sở.
Trong giai đoạn tiếp theo, Ban Chỉ đạo Chương trình 06 tập trung triển khai hiệu quả các kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Cụ thể là nâng cao chất lượng xây dựng danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng kế hoạch hoàn thiện, phát huy hiệu quả quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa: gia đình văn hóa; làng, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; hoàn thành việc đề xuất cơ chế quản lý, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Gia Huy