Hà Nội thảo luận nhiều nội dung quan trọng cho sự phát triển Thủ đô

21/11/2022 9:26 AM

(Chinhphu.vn) - Hội nghị BCH Thành uỷ Hà Nội thảo luận nhiều nội dung quan trọng cho sự phát triển Thủ đô như: Giải pháp để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công; đánh giá cụ thể các giải pháp trọng tâm về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô…

Hà Nội thảo luận nhiều nội dung quan trọng cho sự phát triển Thủ đô - Ảnh 1.

Sáng 21/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ 10. Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì.

Hội nghị thảo luận cho ý kiến vào 5 nội dung quan trọng về: Tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công của Thành phố; nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; cho ý kiến 2 dự thảo về Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy và Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và các Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đánh giá lại tính khả thi của các dự án chưa triển khai

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như Thành phố đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn. Do đó, cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị hội nghị tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển năm 2022 của Thành phố. Đồng thời, đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách TTHC…, chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách căn cơ.

Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cần được thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc và các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định có khả năng hấp thụ vốn cao, giải ngân vốn tốt.

Bên cạnh đó, cần thảo luận, cho ý kiến về các nội dung Ban cán sự đảng UBND Thành phố trình trong phương án cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đồng thời rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các dự án trong kế hoạch trung hạn chưa triển khai để đề xuất giải pháp cắt giảm, điều chuyển vốn trung hạn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của Thành phố; đề nghị các đồng chí thảo luận kỹ các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, khắc phục cho được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua.

Đối với dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch Tài chính ngân sách 3 năm 2023-2025, để bảo đảm cân đối nguồn lực cho Thành phố, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá kỹ các yếu tố tác động, nhất là sức ép từ những khó khăn thị trường tài chính, các yếu tố lạm phát, suy thoái kinh tế của toàn cầu, khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách Hà Nội, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến cụ thể về nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố; định mức phân bổ chi ngân sách Thành phố giai đoạn 2023-2025, đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị tập trung cho ý kiến đối với việc điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên đối với một số lĩnh vực; việc tăng tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất cho các quận, huyện, thị xã; việc phân chia khoản thu thuế thu nhập cá nhân…

Đưa giải pháp quản lý chặt chẽ tài sản công

Về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, Thành ủy đã xác định việc nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố Hà Nội là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo.

UBND Thành phố nghiên cứu, xây dựng "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030". Đến nay, Đề án đã được Ban cán sự đảng UBND Thành phố chuẩn bị công phu, khoa học, nội dung khá đầy đủ, toàn diện với dung lượng 74 trang, kèm theo hệ thống 23 phụ lục chi tiết.

Để Đề án được hoàn thiện hơn nữa và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi được thông qua và đi vào tổ chức thực hiện, đề nghị hội nghị tập trung, thảo luận cho ý kiến về sự cần thiết, phạm vi của Đề án; đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố nói chung và tại cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác nói riêng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Bên cạnh đó, đề xuất quan điểm, mục tiêu và các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công; đặc biệt là đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê; quỹ đất 20-25%; quỹ đất, nhà tái định cư; quỹ đất dự kiến đối ứng BT trước đây...

Thảo luận sâu về hiện trạng dân số với sự phát triển Thủ đô

Về Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tháng 7/2022, BCH Đảng bộ Thành phố đã họp, cho ý kiến đối với Báo cáo về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch thành phố Hà Nội và định hướng phát triển đô thị Thành phố Hà Nội.

Theo đó, Ban Chấp hành đảng bộ Thành phố đã thống nhất về định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gồm 05 mục tiêu; 08 quan điểm; 08 định hướng chính và 03 nhóm giải pháp trọng tâm.

Dự thảo Nhiệm vụ đã được tiếp thu ý kiến của các Sở, ban, ngành; các quận, huyện, thị xã; các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư theo quy định. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã họp và cho ý kiến góp ý đối với dự thảo Nhiệm vụ.

Tại Hội nghị ngày hôm nay sẽ thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm; trong đó cần lưu ý, mục tiêu, định hướng việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này cần bám sát định hướng phát triển Thủ đô được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và phải được nghiên cứu đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, góp ý, thảo luận sâu về các vấn đề: Thực trạng dân số của Hà Nội hiện nay cũng như dự báo dân số đến năm 2030, 2050 để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô; vì đây là vấn đề rất quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về hiện trạng dân số hiện nay của Thành phố; xác định tính chất, tầm nhìn phát triển Thủ đô theo Quan điểm số 2 của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" là điểm riêng có của Hà Nội cần được phát huy lên và là điểm nhấn của Quy hoạch lần này.

Ngoài ra, hội nghị cũng đánh giá, rà soát các thế mạnh cũng như nhu cầu phát triển của từng địa phương để đề xuất đóng góp những giải pháp phát triển quan trọng, phù hợp để khi đồ án được ban hành đạt hiệu quả cao nhất.

Gia Huy

Top