Hà Nội tiếp tục cải thiện để nâng cao chỉ số cải cách hành chính

23/04/2023 7:30 AM

(Chinhphu.vn) - Vươn lên vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính năm 2022 là kết quả tích cực. Tuy nhiên, Chủ tịch TP. Hà Nội chỉ đạo phải có giải pháp khắc phục kết quả cao hơn; đồng thời việc chuyển đổi số phải chọn việc trọng tâm, trọng điểm, tránh làm "ào ào" theo hình thức.

Hà Nội tiếp tục cải thiện để nâng cao chỉ số cải cách hành chính  - Ảnh 1.

Quận Hoàn Kiếm đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 của TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo kết quả Bộ Nội vụ công bố về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022), TP. Hà Nội xếp thứ 3 với chỉ số đạt 89,58%.

Đánh giá của Bộ Nội vụ cho thấy, nhìn chung, năm 2022, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2021, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực.

Như vậy, ở kết quả CCHC năm 2022, Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2021, thành phố Hà Nội xếp vị trí thứ 10 với kết quả 88,54%).

CCHC gắn với chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải TTHC gắn với chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội tiếp tục xác định cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Thủ đô. Tháng 12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND Thành phố đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo liên quan đến kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, chuyển đổi số của Thành phố, qua đó công tác CCHC gắn với chuyển đổi số của Thành phố đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Theo đó, có 6 kết quả tích cực được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ, tiêu biểu là việc thực hiện rà soát, đơn giản hóa và công bố, công khai TTHC. Năm 2022 và quý I/2023, Thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa 65 thủ tục hành chính; ban hành 40 Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ; ban hành 27 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Các Quyết định công bố danh mục TTHC sau khi ban hành, đã được công khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng Giao tiếp điện tử của Hà Nội và các địa điểm để người dân dễ tiếp cận khi thực hiện TTHC.

Kết quả tích cực khác là việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được triển khai theo hướng điện tử thống nhất trên toàn Thành phố; 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đã triển khai thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia 02 nhóm TTHC liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí’’. Việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố năm 2022 đạt 99.89%; Quý I/2023 đạt 99.80%.

Việc tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức được Thành phố đặc biệt quan tâm, đã thành lập kênh Zalo để tiếp nhận phản ánh kiến nghị (PAKN), trong năm 2022 và quý I/2023 đã tiếp nhận 2.725 phản ánh, kiến nghị, tỷ lệ xử lý đạt 91,74%.

Việc xây dựng quy trình giải quyết TTHC liên thông và giải quyết công việc nội bộ được chú trọng. Tính đến nay, các Sở, ban, ngành Thành phố đã ban hành 305 quy trình; cấp huyện ban hành 1.688 quy trình và 111 quy trình liên thông; cấp xã ban hành 3.755 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài TTHC).

Triển khai Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, đến nay, Thành phố đã công bố 81 TTHC nội bộ các lĩnh vực Tư pháp, Nội vụ, Ngoại vụ, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Du lịch...

Kết quả tiếp theo là thực hiện chuyển đổi số trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, Thành phố ban hành 02 Kế hoạch về số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện Số hóa và đã triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, tổ dân phố tại một số các quận, huyện.

Thành phố đã chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc, tích hợp 70% TTHC đủ điểu kiện tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia; ban hành Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền thủ tục hành chính trong đó ủy quyền : 708 TTHC/1892 TTHC (đạt 37,4 %), vượt chỉ tiêu tối thiểu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 17.4%.

Cải thiện, nâng cao các chỉ số trong năm 2023

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đến nay, các cơ quan Trung ương đã công bố các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, DTI, PCI của các thành phố trực thuộc Trung ương. Từ kết quả này, Hà Nội sẽ phân tích và triển khai các giải pháp khắc phục, cải thiện, nâng cao các Chỉ số trong năm 2023.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Hà Nội tập trung vào 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, đặc biệt là tăng cường giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; hoàn thành việc tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư theo yêu cầu, nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường việc ủy quyền giải quyết TTHC theo hướng "cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết"; Đồng thời tiếp tục nghiên cứu thực hiện ủy quyền các TTHC còn lại của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố để đơn giản hóa quy trình, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Triển khai, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC gắn với sự đánh giá hài lòng về giải quyết TTHC của cơ quan hành chính Thành phố; kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; CSDL quốc gia về Dân cư và các CSDL chuyên ngành đảm bảo mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT. Trước mắt, Thành phố lựa chọn triển khai thí điểm tại 02 quận để đánh giá trước khi đưa vào triển khai toàn Thành phố.

Tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Trong năm 2023, tập trung triển khai Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp; đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận theo hướng "lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá".

Tăng cường các giải pháp, sáng kiến, liên thông giải quyết TTHC: Thành phố đã phát động phong trào thi đua tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện CCHC. Thực hiện liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế trên địa bàn Thành phố; Chứng thực điện tử; Liên thông các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư. Đồng thời Thành phố đang nghiên có chính sách miễn giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Trong phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo CCHC và Chuyển đổi số TP. Hà Nội mới diễn, ra Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các đơn vị nghiên cứu các giải pháp khắc phục để có kết quả cao hơn. Trong đó, có phân công phân nhiệm rõ ràng và có tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Về chuyển đổi số và các công việc liên quan đến số hóa, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị cần chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu quả cao, tránh làm "ào ào" theo hình thức gây lãng phí nguồn lực.

Gia Huy

Top