Hiểu đúng về ‘hậu COVID-19’
(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, nhiều người sau khi bị mắc COVID-19 cho biết, họ hay gặp tình trạng mệt mỏi, uể oải, hụt hơi, mất ngủ, đãng trí, kém tập trung…Và bày tỏ lo lắng liệu đây có phải là chứng “hậu COVID-19”?

Khám hậu COVID-19 cho F0 sau khi khỏi bệnh
Anh Bùi Lê Thành, 34 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội từng hai lần mắc COVID-19 trong vòng gần 2 tháng, chia sẻ, trong dịp Tết Nguyên đán, anh bị mắc COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 7 ngày điều trị, sức khỏe ổn định. Thời gian gần đây do tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều người nên anh lại dương tính lần 2.
"Tôi tưởng đã tiêm 3 mũi cộng với việc từng bị nhiễm một lần thì các triệu chứng bệnh sẽ nhẹ hơn, nhưng không phải thế. Sau hơn 1 tuần nhiễm COVID-19, đến ngày thứ 8 tôi test nhanh âm tính. Tuy nhiên, đến ngày thứ 10, tôi lại đau đầu và nghẹt mũi, người đau mỏi. Dù cố găng ăn uống, vận động nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn thấy rất mệt mỏi. Liệu đây có phải là hậu COVID-19 hay không?", anh Thành nói.
Hai tuần trước, chị Bích Phương, 30 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội cũng bị mắc COVID-19 sau khi lây từ đứa con nhỏ. Ngay sau khi con chị mắc COVID-19, chị đã chủ động xúc họng, bổ sung vitamin C, vitamin tổng hợp,…Nhưng đến ngày thứ 3, chị bị sốt, ho nhiều, có đờm đặc và thở khó. Chị test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
"Tôi ho dát cổ và khó thở, nhiều đờm nên đã dùng kháng sinh và thuốc long đờm. Sau 10 ngày điều trị, tôi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng tình trạng ho, mệt mỏi, khó thở, mất ngủ vẫn tiếp diễn", chị Phương lo lắng.
Có thể thấy rất nhiều người sau khi khỏi COVID-19 đều lo lắng cho sức khỏe của mình, lo lắng về việc tình trang hậu COVID-19,…Lo lắng về bệnh dịch là không sai, vì điều này giúp mọi người cảnh giác hơn, không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh COVID-19 có khả năng lây lan nhanh, thậm chí gây tử vong.
Thế nhưng, vì quá lo lắng, sợ hãi, nhiều người bị ám ảnh tâm lý, tự ý mua và sử dụng nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng không cần thiết, dẫn đến lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng sức khỏe…Do đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, người dân cần hiểu đúng về sức khỏe hậu COVID-19 để tránh được những sai lầm liên quan đến sức khỏe.
3 cơ chế dẫn đến khỏi COVID-19 vẫn bị chứng "hậu COVID-19"
Chia sẻ tại Tọa đàm "Tự chăm sóc sức khỏe bản thân, sức khỏe hậu COVID-19 và sức khỏe tiền mãn kinh, mãn kinh" tổ chức hôm nay (30/3), PGS.TS. Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trung bình 4 tuần sau khi bị mắc COVID-19, vẫn còn là giai đoạn COVID cấp tính; từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 người ta gọi là COVID-19 tiếp diễn, những phản ứng viêm bắt đầu giảm đi, nhẹ đi để chuyển về giai đoạn phục hồi.
Tuần thứ 12 trở đi các triệu chứng này vẫn còn tồn tại, tiếp diễn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe thì lúc này mới gọi là hậu COVID-19.
Theo thống kê, chỉ khoảng 5% đến 10% những người sau mắc COVID-19 có những ảnh hưởng. Những ảnh hưởng này sẽ biểu hiện toàn thân, thống kê những yếu tố nguy cơ dẫn đến hậu COVID-19 gồm những những người khi mắc COVID rất nặng phải vào các đơn vị hồi sức tích cực, phải thở oxy liều cao...
Nhóm 2 là những người lớn tuổi mắc các bệnh lý nền không ổn định, những người mắc các bệnh lý nền khác như béo phì, đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, rối loạn đông máu, ung thư máu cũng chiếm tỉ lệ cao mắc các triệu chứng hậu COVID-19.
Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ vô cùng nhỏ những người trẻ, không có bệnh nền chỉ điều trị tại nhà cũng có thể gặp những triệu chứng dai dẳng kéo dài. Thực ra nhóm này khi đến khám tại bệnh viện không phải không có bệnh lý gì từ trước mà do không khám sức khỏe định kỳ nên không biết mình có bị bệnh gì từ trước.
Theo PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, có 3 cơ chế dẫn đến một người bị mắc COVID-19 xong vẫn còn bị diễn biến tiếp theo của hậu COVID-19: Hậu quả của tổn thương giai đoạn cấp chưa hồi phục do virus xâm nhập vào cơ thể tạo ra một chuỗi các loại vi rút trong cơ thể; do bội nhiễm trên cơ thể nhiễm bệnh, sức đề kháng giảm đi rất dễ mắc thêm vi khuẩn hoặc virus khác nữa; tai biến do điều trị, quá trình thở máy, gây tổn thương phổi, hoặc điều trị thuốc - là con dao 2 lưỡi - ngoài việc điều trị bệnh thì còn gây ra các tác dụng phụ khác.
Có rất nhiều triệu chứng của hậu COVID-19, nhưng thường gặp nhất là mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, rụng tóc, khó thở khi gắng sức, ho khan, ho có đờm, buồn nôn, giảm tập trung, rối loạn trí nhớ, hay quên rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, các biểu hiện lo âu trầm cảm đau mắt, mất ngủ...
Về việc người dân đi khám hậu COVID-19, bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh, kiểm tra sức khỏe sau COVID-19 là rất tốt. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cảnh báo một số trường hợp, trong đó cần thận trọng với những triệu chứng có thể không phải là do COVID-19 mà có thể một bệnh về phổi khác. Cần xem xét để tránh 2 vấn đề là quá tải cho hệ thống y tế, thời gian sức lực của chính người bệnh.
Chia sẻ thêm về việc khám hậu COVID-19 tại các bệnh viện, bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh thông tin, căn cứ vào triệu chứng lâm sàng hiện tại, tuổi tác, bệnh lý nền và tiến trình điều trị dương tính trước đó, các F0 sẽ được khám các biểu hiện phù hợp. Người bệnh sẽ được kiểm tra về hô hấp, các bệnh về huyết học, một số rối loạn khác, đái tháo đường…
Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh khuyến cáo, sau 3, 6, 9 tháng mắc COVID-19, người bệnh vẫn nên tiếp tục kiểm tra tiếp. Sau tất cả các đợt kiểm tra, người bệnh phải tự quản lý sức khỏe của mình, nên chủ động theo dõi các app, websize của các cơ sở y tế để có những bài tập phục hồi cơ thể, hô hấp, phục hồi chức năng tâm lý… để ứng dụng vào bản thân, gia đình.
Người bệnh cũng có thể trở về hoạt động thể chất thông thường, với các bài tập thể dục nhẹ nhàng như: Đạp xe, yoga, nhảy… như trước đây, nhưng phải chú ý một số điều như phải tập từ từ, tăng dần cường độ thời gian và sức lực, duy trì một ngưỡng tập từ 2 đến 3 hôm, sau đó mới tăng dần. Không tập lúc quá no, quá đói; quá nóng, quá lạnh. Khi tập thấy bất kì triệu chứng không bình thường thì không được cố.