Hướng tới mục tiêu top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

03/06/2022 5:53 PM

(Chinhphu.vn) - Hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025, Hà Nội đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính với nhiều sự bứt phá.

Hướng tới mục tiêu top 5 địa hương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số - Ảnh 1.

Công chức bộ phận "một cửa" UBND quận Hoàn Kiếm giải quyết thủ tục nhanh chóng cho người dân. Ảnh: VGP/MInh Anh

Chỉ số cải cách hành chính có sự bứt phá

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 vừa được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố mới đây, TP. Hà Nội xếp vị trí thứ 10 với kết quả chỉ số cải cách hành chính 88,54% (năm 2020 thành phố Hà Nội xếp vị trí thứ 8 với kết quả 86,07%).

Còn theo báo cáo kết quả chỉ số CCHC năm 2021 vừa được TP. Hà Nội công bố cho thấy, Sở Tài chính đứng đầu khối sở, cơ quan tương đương sở với chỉ số CCHC 89,83%; quận Cầu Giấy đứng đầu các quận, huyện, thị xã với chỉ số CCHC 95,24%. Sở Tài nguyên và Môi trường và huyện Thường Tín đứng cuối cùng về chỉ số CCHC.

Từ kết quả trên cho thấy, một số đơn vị tiếp tục duy trì Chỉ số CCHC ổn định, thứ hạng cao trong nhiều năm (Sở Tài chính, Sở Nội vụ, UBND quận Cầu Giấy, UBND quận Long Biên...). Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã có sự quyết tâm, bút phá trong công tác CCHC như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện Ba Vì...).

Đứng thứ 2 toàn Thành phố về chỉ số CCHC năm 2021 ở cấp sở, vừa được Thành phố trao tặng Bằng khen là đơn vị có thành tích vượt bậc trong CCHC, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, với nhiều lĩnh vực chuyên môn, đối tượng quản lý đông, khối lượng công việc lớn nên số thủ tục hành chính của Sở đang thực hiện là 163 thủ tục, chiếm gần 9% trong tổng trên 1.800 số TTHC của Thành phố.

Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ, ý thức được đặc thù của ngành, hiểu được tâm lí, tâm trạng của công dân khi đến Sở làm việc, đặc biệt là nhóm đối tượng đặc thù nên bộ phận làm TTHC khi tiếp công dân luôn xác định rõ trách nhiệm, thái độ của mình để thực thi nhiệm vụ.

"Việc giảm thời gian và giảm thành phần hồ sơ cho mỗi thủ tục đã giúp Sở tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tăng khả năng tiếp nhận hồ sơ và chất lượng giải quyết công việc", đồng chí Bạch Liên Hương chia sẻ.

Còn tại quận Cầu Giấy - đơn vị 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) khối quận, huyện, thị xã dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính năm 2021, đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đúng hướng của các cấp ủy, chính quyền quận để duy trì thứ hạng cao trong công tác cải cách hành chính.

Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Hiển, năm 2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận "một cửa" của UBND quận là 6.926 hồ sơ; tại bộ phận "một cửa" các phường là 110.148 hồ sơ. Do thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính nên tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại UBND quận và UBND các phường đều đạt 100%. Trong năm 2021, quận phát động đăng ký các sáng kiến, ý tưởng mới trên tất cả các nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm tìm kiếm các giải pháp để tiếp tục nâng cao công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2026. Kết quả, toàn quận có 23 sáng kiến, trong đó, có 2 sáng kiến của Phòng Tài chính - Kế hoạch, Văn phòng HĐND và UBND quận được lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm là "Liên thông thủ tục hành chính: Cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quận Cầu Giấy" và "Ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin quản lý kỳ họp HĐND quận".

Tập trung nguồn lực cho cải cách hành chính

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho rằng, việc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các đơn vị hành chính thành phố được đánh giá khoa học, khách quan và minh bạch. Cùng với sự công tâm của Hội đồng đánh giá, quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ, các đơn vị được giải trình, bổ sung tài liệu kiểm chứng để bảo đảm kết quả đánh giá trung thực những tồn tại, hạn chế, cũng như nêu rõ những kết quả tích cực, phản ánh chân thực bức tranh cải cách hành chính toàn thành phố.

Trong các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố tới địa phương, đơn vị trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Hằng năm, lấy kết quả chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực người đứng đầu; đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và gắn với công tác thi đua, khen thưởng.

Hướng tới mục tiêu top 5 địa hương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số - Ảnh 2.

Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận "một cửa" UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cùng đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố các giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực cải cách hành chính...

Công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trách nhiệm thực thi công vụ, gây nhũng nhiễu, khó khăn, phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân…cũng được yêu cầu nâng cao hơn,

Trước đó, cuối tháng 3/2022, UBND TP. Hà Nội có kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; rà soát, thống kê, xây dựng quy trình thủ tục hành chính liên thông năm 2022 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-UBND nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp. Trong đó tập trung bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định có liên quan, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước; tăng cường thực hiện liên thông thủ tục hành chính.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, năm 2021 thành phố Hà Nội đã rà soát 550 thủ tục và thông qua phương án đơn giản hóa 177 thủ tục hành chính, phê duyệt 1.754 quy trình giải quyết nội bộ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, năm 2021, quận Hà Đông đã ban hành kế hoạch về giải pháp nâng cao yếu tố "cơ sở hạ tầng căn bản" (thuộc chỉ số nội dung "cung ứng dịch vụ công" trong Chỉ số PAPI). Trong đó yêu cầu các phòng chuyên môn thuộc quận tiếp tục nâng cao kỷ cương hành chính, trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" …

Tương tự, UBND thị xã Sơn Tây công khai, minh bạch các thông tin thủ tục hành chính thuộc 11 lĩnh vực quản lý tại bộ phận "một cửa" của UBND thị xã. Trong năm 2021, UBND thị xã đã tiến hành kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính tại 15 xã, phường.

Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.  Trong giai đoạn 2021-2030, Thành phố sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện tư duy quản lý, điều hành của chính quyền, đặc biệt là công tác CCHC, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Minh Anh

Top