Khai thác hợp lý không gian bãi giữa sông Hồng cho phát triển

11/12/2023 6:04 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi Hà Nội đã Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, việc khai thác, phát triển khu vực bãi giữa càng được quan tâm. Kỳ vọng biến bãi giữa trở thành công viên văn hoá cảnh quan, một không gian đậm chất văn hoá Việt Nam, phục vụ cộng đồng với các hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí tạo không gian sinh thái bền vững, góp phần phát triển hoạt động du lịch đang được các chuyên gia gợi mở đề xuất ý tưởng.

Khai thác hợp lý không gian bãi giữa sông Hồng cho phát triển- Ảnh 1.

Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: VGP

Tiềm năng không gian bãi giữa sông và kinh nghiệm từ quốc tế

Với diện tích khoảng 23 ha, bãi giữa sông Hồng là một không gian xanh rộng lớn thuộc địa giới quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên. Theo các chuyên gia quy hoạch, những dòng sông trong lòng thành phố luôn là một không gian đặc biệt, là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa không gian cũ và mới của đô thị, nơi thu hút các hoạt động của người dân địa phương cũng như du khách và là không gian hấp dẫn nhất của đô thị. Trên thế giới, có rất nhiều thành phố phát triển và nổi tiếng nhờ gắn liền với các dòng sông như: Sông Hoàng phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), sông Hàn ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), sông Danube ở Thủ đô Budapet (Hungary)…

Tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang được triển khai nghiên cứu, cũng xác định lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Đây là định hướng vô cùng quan trọng, làm tiền đề để đưa ra các ý tưởng độc đáo, các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi giữa nhằm tạo nên một hình ảnh mới cho Thủ đô trong thời gian tới. Còn theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực này được định hướng xây dựng hệ thống công viên cây xanh cảnh quan, công viên văn hoá, vui chơi giải trí, quảng trường đô thị và các công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Bãi giữa sông Hồng là một không gian khoáng đạt, tầm nhìn không giới hạn trong đô thị và là điểm nhấn quan trọng của dòng sông. Đặc biệt, bãi giữa nằm ở trục không gian xanh chủ đạo giữa Thủ đô Hà Nội, giữa khu vực nội đô lịch sử với thành phố mới Bắc sông Hồng, là điểm kết nối của trục không gian văn hóa – cảnh quan – sinh thái Hồ Tây – Cổ Loa, vừa có tính chuyển tiếp nhưng vừa có tính độc lập về không gian cảnh quan trên nền tảng văn hóa truyền thống. Nếu khai thác hiệu quả, nó sẽ trở thành biểu tượng và là điểm đến của cả thành phố.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, ở Mỹ, Công viên Forest Park đã giúp tái sinh dòng sông Des Peres sau thời gian dài ô nhiễm và xuống cấp. Các yếu tố then chốt được xem xét khi thiết kế đó là: Nước, thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục, tiếp cận, giải trí và bảo trì. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tổng thể cuối cùng. Các tiếp cận này giúp Forest Park đảm bảo những giá trị bản sắc địa phương đồng thời thu hút du khách và góp phần đáng kể vào cải thiện hình ảnh địa phương.

Còn theo ông David Barner, một nhà quy hoạch Úc, ở Úc có nhiều công viên và không gian công cộng được xây dựng tương tự như bãi giữa sông Hồng. Trong đó, khu bảo tồn Barangaroo là công viên bờ biển mới nhất của Sydney nằm trên một bán đảo nhô ra cảng Sydney. Trước khi trở thành công viên với cảnh quan và các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp thì nơi đây từng là các khu công nghiệp nội thành. Barandaroo là nơi lý tưởng để thư giãn, đi bộ, đạp xe, dã ngoại, có cả trung tâm hội nghị, nghệ thuật công cộng miễn phí, các không gian tổ chức lễ hội văn hoá và ẩm thực.

Như vậy, việc biến bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá cảnh quan sẽ giúp thay đổi diện mạo cảnh quan khu vực, đánh thức tiếm năng công cộng rộng lớn, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô.

Hiện thực hóa tầm nhìn

Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần sớm hiện thực hoá việc xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng để tạo động lực phát triển khu vực này. Rất nhiều giải pháp được đề xuất nhằm tạo tính khả thi khi xây dựng.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ngoài đầu tư hệ thống cầu, thành phố nên tập trung thiết lập các tuyến giao thông ngầm dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ; tổ chức các vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan, cần lựa chọn hệ sinh thái khả thi với đặc điểm vùng cận sông, vùng ngập nước; thay thế cơ bản tuyến đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông với cao độ và độ bền tương ứng…

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa cũng cần được tổ chức trên cơ sở đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch. Trong đó, trọng yếu là các tuyến giao thông xanh và các giải pháp kết nối giao thông đường thủy, đường bộ đảm bảo liên kết thuận tiện với mạng lưới giao thông công cộng khu vực ven hai bãi sông, hình thành các điểm, tuyến kết nối và tiếp cận đa phương thức. Vì thế cần ưu tiên xử lý theo giai đoạn, theo thứ tự ưu tiên, trước hết là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, tiếp đến hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức với các giải pháp đảm bảo an toàn thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn.

Mô hình công viên văn hóa sẽ phù hợp khi triển khai quy hoạch bãi giữa sông Hồng và nhất là đặt trong không gian chung của sông Hồng giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Công viên lấy di sản đô thị cầu Long Biên làm trọng tâm, cảnh quan sông Hồng làm nền, hình thành các tuyến không gian văn hóa kết nối với di sản hai bên bờ và toàn tuyến hành lang xanh sông Hồng.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tuyên và Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Thu Hương, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội còn cho rằng, công viên bãi giữa sông Hồng có thể được tổ chức theo mô hình công viên chuyên đề du lịch sinh thái. Thành phố cần phát huy tiềm năng chủ đạo về cảnh quan và môi trường sinh thái đặc hữu để hình thành công viên sinh thái gắn với việc phát triển hệ thống rừng cây bán ngập, vườn ươm sinh thái, bãi cát, mặt nước... Công viên sinh thái kết hợp với di sản cầu Long Biên trở thành cảnh quan sinh thái văn hóa ngoạn mục của Thủ đô, các hoạt động du lịch có thể khai thác như dã ngoại, khám phá, trải nghiệm sinh thái, cắm trại, bơi thuyền.

Tuy nhiên, những đề xuất về việc xây dựng các công trình dịch vụ tiện ích, các công trình văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí... đang gặp vướng mắc về quy định sử dụng bãi sông trong quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Vì vậy, cần có quy định đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết khu công viên cảnh quan bãi giữa sông Hồng.

Minh Anh

Top