‘Làm giàu bằng chính tri thức của thầy cô’

20/11/2023 2:36 PM

(Chinhphu.vn) - Lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu, mở doanh nghiệp ngay trong trường học để thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ… là mục đích trường Đại học Y Hà Nội đang thực hiện để hướng đến mục tiêu “Kinh tế tri thức là động lực phát triển của xã hội”.

‘Làm giàu bằng chính tri thức của thầy cô’- Ảnh 1.

GS.TS Tạ Thành Văn (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội chủ trì buổi làm việc với phái đoàn lãnh đạo cấp cao Đại học Queensland về hợp tác nghiên cứu khoa học - Ảnh: VGP

Trong xu thế hội nhập toàn cầu hoá, trường Đại học Y Hà Nội – ngôi trường gắn liền với lịch sử của nền y học hiện đại Việt Nam hơn 120 năm đã xác định mục tiêu rất rõ ràng, đó là đại học nghiên cứu ngang tầm các trường đại học y khoa hàng đầu ở châu Á.

Kinh tế tri thức sẽ thúc đẩy sự phát triển

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, Trường Đại học Y Hà Nội đang bước sang một giai đoạn mới, đó là cơ chế tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm xã hội. Nhà trường đặt định hướng rất rõ ràng: Nâng cao năng lực quản trị đại học, lĩnh vực kinh tế tri thức là những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển của trường; còn nghiên cứu là nhiệm vụ số 1...

Vì vậy, trường đã chủ trương tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, phấn đấu tăng tỷ trọng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học công nghệ và dịch vụ y tế của trường. Theo đó, nhà trường luôn thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ thông qua các đơn đặt hàng, hợp tác từ doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ.

Nhà trường đã có chủ trương thành lập các doanh nghiệp ngay trong trường nhằm thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu - vốn là "chất xám tri thức" do chính các thầy cô giáo trong trường nghiên cứu. Khi đó, các công trình này mới thực sự hiệu quả, không bị lãng phí, thậm chí không bị "bỏ quên trong ngăn kéo" như một số nghiên cứu thường thấy.

Đồng thời, đó cũng là sự động viên, khích lệ và thúc đẩy những người làm nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo quyền lợi chính đáng cho họ. Đây là bước đột phá quan trtrong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ của Trường Đại học Y Hà Nội.

GS.TS Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện tại, trường đã ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ  để làm cơ sở cho hoạt động thương mại hoá.

Theo Bộ KH&CN, việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường đại học ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay chỉ khoảng 10%. Một con số quá nhỏ so với tiềm năng tài sản trí tuệ của người Việt, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư.

‘Làm giàu bằng chính tri thức của thầy cô’- Ảnh 2.

Trong 5 năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội đầu tư trọng tâm trọng điểm vào các nhóm nghiên cứu mạnh của từng lĩnh vực và đã có hiệu quả tích cực - Ảnh: VGP

Nghiên cứu chuyên sâu - Nòng cốt thúc đẩy phong trào nghiên cứu

Xác định nghiên cứu là nhiệm vụ số 1, chỉ 5 năm gần đây, Trường Đại học Y Hà Nội đã có gần 1.500 công trình nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế và là một trong số ít các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Việt Nam có chỉ số trích dẫn cao nhất.

"Trong 5 năm gần đây, nhà trường đã thu hút được 82 dự án hợp tác trong nước và quốc tế. So với giai đoạn 2012-2016, số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở của Trường Đại học Y Hà Nội thời gian này đều tăng mạnh.", GS.TS Trần Huy Thịnh cho biết.

Để biến chủ trương tăng nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ thông qua các đơn đặt hàng trở thành hiện thực, lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội đã hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu từng lĩnh vực.

Mỗi nhóm nghiên cứu chuyên sâu là tập hợp những nhà khoa học cùng nghiên cứu về một lĩnh vực và có nhiều công bố quốc tế về lĩnh vực đó, thu hút được nhiều nguồn tài trợ, đặt hàng, thậm chí có sở hữu trí tuệ hoặc bản quyền của công bố đó.

"Các nghiên cứu đều được tiến hành theo chuẩn quốc tế, có sự giám sát của các chuyên gia hàng đầu và đạt được nhiều giải thưởng lớn, đồng thời là cơ sở để ứng dụng hiệu quả vào thực tế", Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh.

Là nhà khoa học có nhiều đề tài, dự án được quốc tế tài trợ với số tiền hàng triệu USD, PGS.TS Lê Minh Giang, Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất và HIV của Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhiều kết quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp đã được Bộ Y tế lấy làm cơ sở để ban hành chính sách hoặc hướng dẫn điều trị HIV.

‘Làm giàu bằng chính tri thức của thầy cô’- Ảnh 3.

PGS.TS Lê Minh Giang (bên trái) tiếp Nghị sĩ Nhật Bản thăm nhóm nghiên cứu về HIV ở Trường Đại học Y Hà Nội - Ảnh: VGP

Điển hình như nghiên cứu "Đánh giá kết quả triển khai đề án điểm cấp methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại 3 tỉnh của Việt Nam" đã cung cấp bằng chứng để Bộ Y tế trình Chính phủ mở rộng đề án này.

Nhóm nghiên cứu của PGS. TS Lê Minh Giang cũng là nhóm đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về tốc độ lây truyền HIV. Kết quả này đã cung cấp bằng chứng để Bộ Y tế thuyết phục các nhà tài trợ mở rộng thuốc điều trị dự phòng Prep cho Việt Nam.

Đặc biệt, với những kết quả nghiên cứu mang tầm quốc tế, các công trình của nhóm nghiên cứu mạnh của PGS Lê Minh Giang cũng đã chứng minh được năng lực để cạnh tranh trực tiếp với các nhóm nghiên cứu của các nước trên thế giới, để thu hút tài trợ.

Mới đây, dự án nghiên cứu giải pháp giảm sử dụng ma túy đá ở bệnh nhân sử dụng Methadone, đã được Viện Sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ (US NIH) tài trợ kinh phí trong 5 năm, trong đó kinh phí tài trợ mỗi năm hàng trăm nghìn USD, nhằm tìm ra giải pháp không chỉ áp dụng tại Việt Nam mà hoàn toàn có thể áp dụng với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhà trường còn có các nhóm nghiên cứu mạnh tiêu biểu khác trong nhiều lĩnh vực như: Lĩnh vực y tế dự phòng và y tế công cộng của nhóm GS Lê Thị Hương, lĩnh vực lâm sàng có chuyên khoa tim mạch, lão khoa, hồi sức cấp cứu, da liễu…; lĩnh vực y tế cơ sở nghiên cứu tế bào trị liệu, đột biến gen của GS. Trần Huy Thịnh; lĩnh vực bệnh lý di truyền, chẩn đoán trước sinh, tiền làm tổ của GS Trần Vân Khánh…

Để luôn đồng hành và khích lệ các nhà khoa học không ngừng sáng tạo, trường đã thành lập Quỹ tài trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh với quy định, khi nhận tiền hỗ trợ là phải có sản phẩm được nghiệm thu, nếu không có sản phẩm, nhóm sẽ phải hoàn tiền cho Quỹ. Như vậy, "chất xám tri thức" của các nhóm nghiên cứu sẽ được làm giàu từ chính tài năng, trí tuệ của người Việt.

Bên cạnh đó, thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu từ các nhóm nghiên cứu mạnh, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ đã đào tạo bài bản, chuẩn mực quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2023, Trường Đại học Y Hà Nội đã có khoảng 170 nghiên cứu sinh, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu từ các nhóm này.

"Thông qua các nhóm nghiên cứu chuyên sâu cho thấy, định hướng và sự đầu tư của nhà trường là có trọng tâm, trọng điểm. Với những giải pháp đang được áp dụng hiệu quả, chúng tôi đã tạo ra văn hoá nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế. Điều này rất quan trọng trong quá trình hội nhập. Đó là thành công và niềm tự hào của Nhà trường", GS.TS Tạ Thành Văn cho biết.

Hiền Minh

Top