Làng nghề mây tre đan với ưu thế phát triển du lịch
(Chinhphu.vn) - Làng nghề mây tre đan có ưu thế về phát triển du lịch do có thể kết nối thành các tour du lịch chuyên sâu về làng nghề. Phát triển, quảng bá du lịch làng nghề nói chung và nghề mây tre đan Hà Nội cũng là cách giới thiệu sinh động về đất nước và con người Việt Nam giàu truyền thống.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Nghề mây tre tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn
Giới thiệu về điểm đến du lịch làng nghề, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong phát triển làng nghề thủ công truyền thống và ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, lĩnh vực sản xuất mây tre đan chiếm một vị trí quan trọng. Trong các làng nghề mây tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu nhất là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
Xã Phú Nghĩa có 7/7 làng làm nghề mây tre đan với 90% số hộ tham gia, trong đó, có 3 làng được công nhận là làng nghề (Phú Vinh, Quan Châm, Khê Than). Ngoài ra, nghề mây tre đan còn phát triển nhanh ở các thôn/xã như Đồng Trữ, Ninh Sở, Bằng Sở, Phú Túc, Phú Xuyên, Quang Phú Cầu.
Nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.
Hiện nay, sản phẩm mây, tre, giang đan của làng nghề Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha ... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay.
TS. Ngô Thị Hồng Giang, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hoạt động du lịch làng nghề truyền thống nói chung, du lịch làng nghề mây tre đan Hà Nội nói riêng là sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách bởi nhiều lợi thế. Bản thân các làng nghề nói chung và làng nghề mây tre đan là sản phẩm du lịch độc đáo bởi chính cảnh quan sinh thái, đời sống làm nghề, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tinh thần, phong tục, tập quán, lễ hội.
Các sản phẩm mây tre đan còn là mặt hàng lưu niệm, mang tính biểu tượng văn hóa, thể hiện tính chất thân thiện qua chất liệu bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường văn hóa đặc trưng của Hà Nội.
Dựa vào yếu tố tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương, các làng nghề mây tre đan có thể kết nối, hình thành các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đó là những sản phẩm thông dụng như rổ, rá, làn, khay, ủ nước, cơi đựng trầu... đến các sản phẩm nội thất đặc biệt hơn như bàn ghế, đèn ngủ, đèn chùm, hoặc các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo cao cấp hơn như túi xách, lọ hoa và các phụ kiện khác.
Tuy nhiên, theo TS. Ngô Thị Hồng Gian, hoạt động phát triển du lịch làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề mây tre đan Hà Nội nói riêng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Công tác xây dựng, phê duyệt và triển khai quy hoạch làng nghề du lịch còn chậm (làng nghề Phú Vinh mặc dù được thành phố phê duyệt từ năm 2012 nhưng vẫn chưa thực hiện). Các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch tuy đa dạng nhưng mới dừng lại ở quy mô nhỏ, các sản phẩm du lịch đặc thù của làng nghề độ tinh xảo chưa cao, thiếu tính đặc sắc.
Chung tay của cộng đồng để thu hút du lịch về làng nghề
TS. Ngô Thị Hồng Giang nêu đề xuất, để hình thành các tour, tuyến du lịch liên kết bền vững giữa các làng nghề truyền thống nói chung và nghề mây tre đan nói riêng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân địa phương, các công ty du lịch, lữ hành tại Hà Nội và các tỉnh thành trong và ngoài nước.
Trong đó, cần nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm để khai thác giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch. Chú trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống; nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, trách nhiệm đối với nghề cho người dân. Tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề, tạo môi trường du lịch thân thiện, cởi mở, gần gũi giữa người dân với du khách.
Tổ chức các đoàn khảo sát với các chuyên gia đến các làng nghề truyền thống để nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và hình thành các tuyến, điểm du lịch có sức hấp dẫn.
Hà Nội có thể hình thành các chuỗi/hệ thống/cụm làng nghề mây tre đan (như cụm du lịch làng nghề mây tre đan ở huyện Chương Mỹ). Đó sẽ là tour du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Để phát triển du lịch làng nghề rất cần sự chung tay và tham gia tích cực của cộng đồng làng nghề. Cộng đồng thể hiện sự chủ động và tích cực trong việc tham gia trực tiếp, vừa tham gia gián tiếp xây dựng môi trường làng nghề, sẵn sàng đón tiếp khách du lịch, nhất là khâu chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Mỗi năm, các làng nghề mây tre đan đều cho ra đời nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, song khi đã tham gia vào chuỗi du lịch, cộng đồng làng nghề và nghệ nhân cần nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của nghề, của làng, mang dấu ấn Việt Nam để giới thiệu, trưng bày và bán cho du khách.
Các làng nghề mây tre đan trên địa bàn Hà Nội càng có ưu thế về phát triển du lịch bởi sự dễ dàng nối tuyến, kết hợp các hình thức du lịch cũng như điểm du lịch, có thể kết nối thành các tour du lịch chuyên sâu về làng nghề mây tre đan hoặc sản phẩm mây tre đan, kỹ thuật mây tre đan.
Cộng đồng làng nghề cũng cần chủ động tìm hiểu kiến thức du lịch, nắm bắt các nhu cầu cơ bản của khách, xu hướng và thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước theo từng thời điểm, từng đối tượng.
Hòa An