Mạng lưới xe buýt phủ kín, tạo thuận lợi cho người dân

21/08/2024 9:42 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, mạng lưới xe buýt đã tiếp cận tất cả quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Thành phố Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang được khai thác, vận hành với hơn 4.400 điểm dừng và nhà chờ xe buýt. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Mạng lưới xe buýt phủ kín, tạo thuận lợi cho người dân- Ảnh 1.

Mạng lưới xe buýt Hà Nội hiện đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 67%; 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 27/27 các khu công nghiệp lớn, đạt 100%; 33/37 khu đô thị, đạt 89,2%; 23/24 làng nghề, đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, đạt 92%.

Đáng chú ý, xe buýt Thủ đô hiện đã kết nối với 7 tỉnh lân cận, gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, gồm: 128 tuyến buýt trợ giá; 9 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. 128 tuyến buýt trợ giá do 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện, đặc biệt trong đó 127 tuyến lựa chọn theo hình thức đấu thầu và chỉ có 1 tuyến đặt hàng.

Toàn Thành phố có 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm; ngoại thành là 1,1 điểm/km2.

Mặc dù mật độ mạng lưới xe buýt rất cao nhưng thường tập trung ở các trục chính. Nhiều khu vực khó tiếp cận, cự ly đi bộ từ 0,5km đến 1km, thậm chí có khu vực trên 1,5km mới có xe buýt.

"Qua nghiên cứu thực tế có thể thấy, mạng lưới tuyến buýt chủ yếu tập trung trong nội thành; thiếu các tuyến liên kết theo kiểu vòng tròn; điểm trung chuyển rời rạc, thiếu kết nối. Mặt khác ngay trong nội đô, nhiều khu vực người dân vẫn phải đi bộ trên 1km mới tiếp cận được xe buýt", PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay.

Nguyên nhân là do nhiều tuyến đường không đủ điều kiện hạ tầng để chạy xe buýt khi mặt cắt ngang dưới 5m. Nhiều khu vực có mật độ dân cư tập trung cao nhưng lại khó tiếp cận dịch vụ xe buýt.

Bên cạnh đó còn rất nhiều khó khăn khác như thiếu không gian lưu thông dành riêng, ảnh hưởng đến vận tốc và thời gian chuyến đi của xe buýt, khiến loại hình vận tải hành khách công cộng này còn kém hấp dẫn; hạ tầng dành cho xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí nén CNG còn thiếu trầm trọng…

Phát huy hơn nữa hiệu quả của mạng lưới xe buýt

Mạng lưới xe buýt phủ kín, tạo thuận lợi cho người dân- Ảnh 2.

Kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của mạng lưới xe buýt Thủ đô, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường bảo đảm hạ tầng (ít nhất có từ 4 làn xe/hướng, mỗi hướng có mặt cắt ngang từ 15m trở lên) để bố trí các đoạn, làn ưu tiên cho xe buýt.

Năm 2025, cơ quan chức năng đề xuất thí điểm 3 đoạn, tuyến đường với tổng cộng khoảng 6,5km làn ưu tiên. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, đề xuất 12 làn ưu tiên với tổng chiều dài 56,5km…

Cùng với đó xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn, tiếp cận gần các ga đầu mối, ga vành đai của các tuyến đường sắt đô thị, các bến xe liên tỉnh…

Mới đây, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Theo đó đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại từ ngày 9/8/2024. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Thành phố có 36 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị này.

Trong đó, có 33 tuyến trợ giá gồm: Tuyến số 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96 và 3 tuyến không trợ giá: Tuyến số 70A, 70B, 70C.

Dọc tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách là Cầu Giấy và Nhổn. Bên cạnh đó, có 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng; chiều Nhổn - Cầu Giấy 16 điểm dừng).

Đáng chú ý, hiện tại 8 ga tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50 m, khá thuận tiện cho người dân.

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho biết, mạng lưới tuyến xe buýt cơ bản tạo được sự kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, thuận tiện cho hành khách trung chuyển giữa 2 tuyến đường sắt đô thị bằng hệ thống xe buýt. Hai tuyến đường sắt đô thị được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt gồm: Tuyến số 29, 49, 57, 05, 27, 38, 90, 105, 09B.

Trước đó vào năm 2021, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được Bộ Giao thông - Vận tải bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có phương án kết nối mạng lưới xe buýt với tuyến đường sắt đô thị này. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện.

Để kết nối với các ga đường sắt này, Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 55 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị.

Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối. Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với 6 tuyến buýt kết nối.

Có thể thấy, việc điều chỉnh hệ thống các tuyến xe buýt phù hợp, kết nối thuận tiện với hệ thống đường sắt Thủ đô sẽ thúc đẩy người dân lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Diệu Anh

Top