Rà soát chỉ tiêu còn khó khăn để bảo đảm an sinh xã hội

19/04/2023 8:12 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn về an sinh xã hội để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ; nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, góp phần bao phủ toàn diện lưới an sinh trên địa bàn.

Rà soát chỉ tiêu còn khó khăn để bảo đảm an sinh xã hội - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 19/4, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Chương trình. "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021- 2025".

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao

Sau hơn hai năm triển khai Chương trình số 08-CTr/TU, đến nay đã có 14/27 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Toàn thành phố đã trao tặng trên 1,7 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách, người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; cán bộ nghỉ hưu, mất sức…; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khó khăn khác với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa chiếm 15,1%).

Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo. Trong đó, HĐND đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, với tổng mức đầu tư trên 49.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đã khởi công, đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, hỗ trợ các đối tượng vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021).

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị sử dụng lao động còn nhiều khó khăn, nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, người lao động tạm thời ngừng việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Còn tình trạng doanh nghiệp tham gia BHXH chưa đầy đủ cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Vẫn còn khó khăn trong công tác giải quyết chế độ, quyền lợi đối với người lao động khi doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, bỏ trốn, mất tích nhưng còn nợ BHXH, BHYT. Công tác phối hợp của một số cơ quan, đơn vị về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021- 2030 có việc còn hạn chế…

Dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh sẽ quay trở lại và một số dịch bệnh khác có thể xuất hiện. Còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm. Việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế do chưa có phần mềm dùng chung toàn thành phố.

Tại hội nghị, các đơn vị cũng đề nghị tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình theo hướng lấy người dân là trung tâm và tập trung vào các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn; gắn việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 08-CTr/TU với các Chương trình công tác khác của Thành ủy. Đặc biệt, chỉ đạo các ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo; huy động các nguồn lực từ ngân sách và nguồn xã hội hóa hợp pháp để thực hiện chương trình; đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích sự tham gia, đồng hành, ủng hộ của người dân.

Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ chỉ tiêu còn khó khăn

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành phố ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, cho thấy sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị Thành phố.

Vì thế, Chương trình đưa ra 27 chỉ tiêu, đến nay đã có 14 chỉ tiêu hoàn thành sớm trước 2 năm theo kế hoạch cả nhiệm kỳ, trong đó có nhiều chỉ tiêu rất quan trọng như: Tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn 3 chỉ tiêu đạt thấp gồm: Số giường bệnh trên vạn dân, số bác sỹ trên vạn dân, tỷ lệ người dân được quản lý sức khoẻ; một số văn bản, nhiệm vụ của chương trình thực hiện còn chậm so với kế hoạch; tiến độ một số dự án, công trình lĩnh vực y tế theo nghị quyết của HĐND thành phố và các dự án xã hội hoá triển khai còn chậm…Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và các chỉ tiêu của chương trình để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng. Qua đó có thêm nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Trong quá trình triển khai, phải nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng nguyên tắc "dân là gốc" thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.

Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến hết nhiệm kỳ, nhất là các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù, bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần bao phủ toàn diện lưới an sinh của Thủ đô...

Đối với việc triển khai quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, cần quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để thu hẹp dần khoảng cách thu nhập giữa thành thị - nông thôn và miền núi của Thành phố.

Gia Huy

Top