Sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm

06/09/2024 4:21 PM

(Chinhphu.vn) - Với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, các địa phương chủ động nhân lực, phương tiện, sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố do cơ bão số 3 gây ra.

Ba Đình: Ứng trực sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi nhà tập thể cũ

Sáng 6/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã có buổi kiểm tra đột xuất công tác ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3 tại quận Ba Đình.

Sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra-Ảnh: VGP/Thùy Chi

Báo cáo với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, thực hiện Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4-9-2024 của UBND Thành phố Hà Nội, ngày 5-9-2024, UBND quận đã có công văn yêu cầu Công an quận, Ban Chỉ huy quân sự quận, UBND 14 phường trên địa bàn và các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3.

Trong đó, UBND quận Ba Đình yêu cầu UBND các phường trên địa bàn triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo; chủ động rà soát và sẵn sàng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"…

Cùng với việc ứng trực 24/24 giờ, UBND các phường báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai quận trước 7h và 16h hằng ngày.

UBND phường Phúc Xá theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ trên sông Hồng và cảnh báo kịp thời cho người dân, sẵn sàng phương án sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ nguy hiểm cao như: ven sông, địa bàn có nguy cơ sạt lở đất.

UBND các phường: Ngọc Khánh, Trúc Bạch yêu cầu các đơn vị kinh doanh vui chơi trên hồ Thủ Lệ, hồ Trúc Bạch tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa, có phương án bảo vệ phương tiện thủy nội địa, bảo đảm an toàn cho người dân.

Các phường có chung cư cũ như: Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã, Giảng Võ tổ chức ứng trực, sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố.

Ban quản lý các chợ sẵn sàng chằng chống cầu chợ, nhắc nhở các hộ kinh doanh bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; thông báo kịp thời đến các hộ về tình hình mưa bão…

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, quận đã chủ động xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai; phương án di dời dân khi có tình huống thiên tai đặc biệt; phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai… sẵn sàng ứng phó với các tình huống nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân trên địa bàn.

Là địa bàn duy nhất của Ba Đình nằm hoàn toàn ngoài đê sông Hồng, UBND phường Phúc Xá theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ trên sông Hồng, cảnh báo kịp thời cho người dân để sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm (ven sông, nơi có nguy cơ sạt lở đất...).

Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Nguyễn Trung Kiên cho biết, phường đã giao Đội tuần tra canh gác đê thường xuyên túc trực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan trong công tác tuần tra đê và phòng chống lụt bão, thông tin kịp thời tình hình báo lụt tới Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của phường. Đối với các hộ dân đang sinh sống, canh tác tại khu vực bãi giữa sông Hồng, phường Phúc Xá cũng thực hiện kêu gọi, vận động và hỗ trợ di dời về đất liền để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi có bão lũ xảy ra.

Sau khi nghe báo cáo nhanh của UBND quận Ba Đình và các phường, phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị của quận Ba Đình trong việc phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác ứng phó với cơn bão số 3.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, tại Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5-9-2024, về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 đã nêu rõ: bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Huyện Thạch Thất: Chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"

Trưa 6-9, UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 3.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất, mực nước các hồ chứa đến 7h ngày 6-9 tại hồ Tân Xã +12.08/+12m, Cố Đụng 9,55/9,6m, hồ Lụa +70.6/70m, Đồng Sổ +74.2/+74m. Hiện tại, tất cả các hồ chứa trên địa bàn huyện đều đã đạt và vượt thiết kế. Nếu có mưa lớn, các hồ chứa này không còn khả năng chứa nước phòng lũ, nước mưa vào hồ sẽ tràn tự do và hồ Tân Xã, hồ Cố Đụng, hồ Linh Khiêu tiêu ra sông Tích; hồ Lụa, hồ Đồng Sở tiêu ra hồ Đồng Mô.

Do đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất yêu cầu các đơn vị liên quan, xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng, hậu cần theo phương châm "bốn tại chỗ". Phòng Quản lý đô thị xây dựng phương án và tổ chức ký cam kết huy động phương tiện để sơ tán dân và chở vật tư ứng cứu sự cố đê, đập, công trình thủy lợi khi có thiên tai xảy ra.

Cùng với đó, thành lập lực lượng xung kích tập trung của huyện (300 người), huy động lực lượng thanh niên tình nguyện (500 người) và lực lượng canh đê, gác cổng, cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp Thủy lợi tăng cường làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện xây dựng phương án và tổ chức ký hợp đồng với đơn vị cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu, sẵn sàng cứu trợ cho nhân dân khi có thiên tai xảy ra…

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức yêu cầu, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, thông báo hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho nhân dân để chủ động phòng, tránh và giảm thiệt hại... Cùng với đó, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn; chỉ đạo nhân dân dự trữ thức ăn, nước uống và các vật dụng thiết yếu, bảo vệ đồ đạc, tài sản của gia đình, ngắt toàn bộ thiết bị điện, khóa van ga khi có lũ, ngập lụt...

Các địa phương chủ động khơi thông dòng chảy ở các trục kênh tiêu, các rãnh thoát nước, tua vớt rác ở các miệng hố ga để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh chóng, kịp thời khi có mưa lớn xảy ra. Sẵn sàng các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi trồng thủy sản, cây trồng, vật nuôi để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão và hoàn lưu bão có thể gây mưa.

Khuyến cáo người dân không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối khi có mưa lớn, có lũ. Các xã vùng đồi núi: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Thạch Hòa, Thạch Xá, Cần Kiệm, Kim Quan tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực vùng trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập úng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án di dời, sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.

Xí nghiệp Thủy lợi huyện phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các xã Hạ Bằng, Tân Xã thực hiện linh hoạt các giải pháp để bảo vệ an toàn các tuyến đập, các cống điều tiết nước và tràn xả lũ hồ Tân Xã…

Ngày 6-9, huyện Thạch Thất đã có Công điện số 01/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Theo đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố, huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Huyện Quốc Oai: Sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu khi cần thiết

Ngày 6-9, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị họp giao ban trực tuyến với các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống bão số 3.

Để hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân, UBND huyện đã ban hành Công điện số 06 ngày 5-9 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và 2 văn bản chỉ đạo thực hiện ứng phó, tuyên truyền về cơn bão số 3. Các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến cơ sở tăng cường kiểm tra, rà soát, lên phương án chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, nhà xưởng, trang trại; triển khai phương án sơ tán dân ở các nhà yếu, hộ gia đình sống ngoài đê đến nơi an toàn. Công ty thủy lợi triệt để tiêu nước, sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu khi cần thiết; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu để ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm - Ảnh 2.

Ảnh mây vệ tinh siêu bão Yagi lúc 10h sáng nay - Ảnh: NCHMF

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các xã, thị trấn, phòng, ban, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, nhưng đồng thời không hoang mang, sợ hãi; yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Các đồng chí cấp ủy, chỉ đạo các địa phương phòng, chống thiên tai theo phương án đã xây dựng không để bị động, bất ngờ; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thi công, xây dựng công trình bảo đảm tài sản, an toàn giao thông; chủ động các phương án bảo vệ an toàn cho lúa, hoa màu, đàn vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch UBND huyện đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm "4 tại chỗ"; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt, chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Đông Anh: Hoàn thành cắt tỉa cây, kiểm tra hệ thống điện

Sáng 6-9, UBND huyện Đông Anh họp triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bão số 3 (bão Yagi). Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, ngày 5-9, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Công điện yêu cầu các xã, thị trấn, các đơn vị theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3 để thông báo và hướng dẫn nhân dân các biện pháp chủ động ứng phó, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản...

Các xã, thị trấn, đơn vị rà soát các công trình, nhà ở thiếu kiên cố, nhà tạm, lều, quán, các công trình xây dựng để hướng dẫn nhân dân, chủ đầu tư công trình triển khai các biện pháp chằng chống nhà cửa, công trình, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, công trình xây dựng.

Huyện yêu cầu các đơn vị phải chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; tập trung các phương án phòng, chống úng ngập cục bộ; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ; phương án đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.

UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp với Hạt quản lý đê số 10, Xí nghiệp Thủy lợi Đông Anh kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, đê điều để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sự cố phát sinh; tổ chức khơi thông cống rãnh, kênh mương, các điểm ách tắc làm thông thoáng dòng chảy, tránh gây ngập cục bộ khi mưa to.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn thường trực 24/24 tại trụ sở UBND xã, thị trấn; chỉ đạo các trạm bơm tiêu do UBND xã quản lý chủ động tiêu nước đệm, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trạm bơm. UBND các xã ven đê chỉ đạo lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác đê thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, kè và thường trực theo quy định.

Đặc biệt, Tiểu ban Chống úng nội đồng (Xí nghiệp Thủy lợi Đông Anh) chủ động phối hợp với UBND, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn, các hợp tác xã kiểm tra hệ thống cống, kênh mương và các trạm bơm để phát hiện kịp thời các hư hỏng, sự cố, có giải pháp khắc phục bảo đảm an toàn cho công trình; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu nước đệm và triển khai phương án chống úng đã được duyệt trên địa bàn; lưu tâm những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng cao; theo dõi, tổng hợp, báo cáo mọi diễn biến úng ngập, thiệt hại và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.

Công ty Điện lực Đông Anh, bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu bảo đảm hoạt động hết công suất; duy trì điện sinh hoạt cho nhân dân, khắc phục sớm các sự cố phát sinh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng, từ ngày 5-9, huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tham gia nạo vét ga, rãnh thoát nước trong các khu dân cư; thay thế các nắp ga bị hỏng; cắt tỉa, hạ độ cao các cây xanh có nguy cơ gãy đổ; chặt hạ cây bị chết khô; có giải pháp chằng, chống các cây bị nghiêng, cây có nguy cơ gãy đổ; chủ động bố trí người, phương tiện, máy móc kịp thời giải tỏa cây gãy đổ đảm bảo an toàn giao thông.

Đối với chiếu sáng, kiểm tra toàn diện hệ thống điện chiếu sáng, chủ động xử lý các sự cố, rò rỉ điện có nguy cơ gây mất an toàn; thay thế các cần đèn, bóng đèn bị gẫy, hỏng, nguy cơ gây mất an toàn trong mưa bão. Với lĩnh vực thoát nước, thay thế các nắp ga hỏng; thực hiện nạo vét ga, rãnh thoát nước; nhặt rác tại các ga thu nước; bố trí, cắt cử người, phương tiện chủ động ứng phó tại các điểm có nguy cơ úng ngập trên địa bàn. Thời gian thực hiện các nội dung nêu trên hoàn thành trong ngày 6-9.

Thùy Chi

Top