Sông Hồng với định hướng phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên

29/03/2023 3:06 PM

(Chinhphu.vn) - Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã bám sát mục tiêu, định hướng về phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên. Trong đó, sông Hồng đóng vai trò là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai.

Sông Hồng với định hướng phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên  - Ảnh 1.

Để hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quá trình triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư rất cần được xem xét ký, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực... Ảnh: VGP/Gia Huy

Sông Hồng được xác định là trục không gian hành lang xanh

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Hà Nội là Thành phố gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là con sông lớn nhất. Trong tâm thức người Hà Nội, sông Hồng đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử của đất nước, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Ngay từ khi mới hình thành, lịch sử kinh thành Thăng Long đã gắn liền với sông Hồng, tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Kinh thành.

Hệ thống sông Hồng là nguồn cung cấp nước tưới cho nền nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ, là tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng. Bên cạnh đó, sông Hồng cũng là nơi chứng kiến bao chiến thắng oai hùng lẫy lừng của dân tộc Việt trong lịch sử ngàn năm chống giặc ngoại xâm.

Do nhu cầu phòng chống lũ, trị thủy sông Hồng để bảo vệ các khu dân cư đô thị, xuyên suốt quá trình lịch sử, hệ thống đê điều hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng dần dần được hình thành và gia cố, từ các đoạn đê riêng lẻ đã liên kết thành các tuyến đê dọc theo hai bờ sông.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tuy đóng vai trò quan trọng trong phòng chống lũ, song về phát triển không gian, vô hình chung hệ thống đê chống lũ đã tạo nên sự ngăn cách sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại ngày nay.

Qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan.

Năm 2012, Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 Phân khu đô thị sông Hồng; Luật Thủ đô 2013 đã có nội dung đề cập đến tạo lập không gian cảnh quan hai bên sông Hồng; năm 2015, Hà Nội phê duyệt Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: "Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên" do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Đến năm 2017, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Năm 2021, Thường trực Thành uỷ Hà Nội thống nhất các định hướng lớn vào Quy hoạch phân khu sông Hồng.

Chương trình 06-CTr/TU Thành uỷ cũng xác định sông Hồng có tính chất là trục không gian đặc trưng hành lang xanh gồm hệ thống cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Đến năm 2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm quy hoạch sông Hồng cụ thể như: Là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm và Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Sông Hồng với định hướng phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên  - Ảnh 2.

BND TP. Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống năm 2022 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Kết nối giao thông, tạo động lực phát triển

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, theo quy hoạch, sông Hồng là trục không gian đặc trưng hành lang xanh: Cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch; Hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa.

Quy hoạch này cũng phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống theo hướng hiện đại, an toàn và khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời (đi bộ, xe đạp,...); hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực liền kề, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông; kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và Thành phố.

Ngoài ra, cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; 262 bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng.

Phát triển đô thị bền vững trên cơ sở hài hòa 3 yếu tố: Kinh tế, môi trường, xã hội. Hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hoá truyền thống của những vùng đất hai bên bờ sông mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hoá mang đặc trưng của văn minh sông Hồng. Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Với các định hướng đó, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại.

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển thành phố theo hướng "nhìn sông, tựa núi"; đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã bám sát mục tiêu, định hướng của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề ra, đó là phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, dựa vào hình thái tự nhiên để xây dựng công trình và không gian cảnh quan hai bên bờ sông, mang tầm nhìn và tư duy mới về hoạch định chính sách dựa trên nguyên tắc: Thuận tự nhiên và thuận lòng dân.

Đồ án cũng góp phần tăng thêm sức thu hút đầu tư cho Thành phố Hà Nội và sông Hồng đóng vai trò là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai.

Để hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quá trình triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư rất cần được xem xét kỹ, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự triển khai các dự án, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, các không gian sáng tạo đem lại sự sôi động, náo nhiệt, hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, năng động; xứng tâm thương hiệu "Thành phố sáng tạo".

Gia Huy

Top