Tác động tích cực của đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và nhân dân

04/03/2023 8:20 AM

(Chinhphu.vn) - Thông qua tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, Thành ủy Hà Nội đã xác định rõ hơn, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, khơi thông "điểm nghẽn", có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tác động tích cực của đối thoại giữa người đứng đầu  cấp ủy, chính quyền và nhân dân - Ảnh 1.

Quận Thanh Xuân đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân - Ảnh: Cổng TTĐT quận Thanh Xuân

Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp góp phần đổi mới quản lý, điều hành

Sau 5 năm thực hiện "Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn Hà Nội", Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Quy chế đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng thiết thực; góp phần tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, hoạt động quản lý điều hành của chính quyền.

Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp từ Thành phố đến cơ sở, là nội dung quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, được cụ thể hóa trong các quy trình công tác. Nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức đối với việc phát huy dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được nâng lên; đồng thời, nhận thức của người dân về quyền làm chủ cũng sâu sắc và toàn diện hơn.

Đến nay, cấp Thành phố đã tổ chức được 20 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố. Cấp huyện tổ chức được hơn 200 hội nghị định kỳ; 801 hội nghị đột xuất. Cấp xã tổ chức được gần 3.000 hội nghị định kỳ với hơn 280.000 lượt người; hơn 2.000 hội nghị đột xuất với gần 98.000 lượt người tham dự và hơn 15.000 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị.

Các ý kiến góp ý, kiến nghị của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân đều được nghiêm túc tiếp thu, tỷ lệ trả lời, giải quyết đạt trên 98% đối với hội nghị định kỳ và trên 96% đối với hội nghị đột xuất ở cấp huyện; cấp xã tỷ lệ lần lượt là 97% và 83,7%.

Đổi mới, sáng tạo trong cách thức tổ chức đối thoại

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, nhờ phát huy dân chủ, ban thường vụ cấp ủy các cấp đã bàn bạc, lựa chọn nội dung đối thoại thiết thực, thời điểm, địa bàn phù hợp, đối tượng tham gia đối thoại là những người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan đến vấn đề đối thoại.

Trong quá trình tổ chức đối thoại định kỳ; đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện nhân dân địa phương trước khi tiếp xúc, đối thoại; giao các đồng chí ủy viên ban thường vụ, phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại liên quan đến địa bàn phụ trách; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại.

Sự sáng tạo còn ở việc huyện về xã, xã về thôn để thực hiện đối thoại với phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân"; tăng cường đối thoại chuyên đề về những nội dung, lĩnh vực nhân dân quan tâm hoặc còn có khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, mở rộng đối tượng chủ trì và tham gia đối thoại, mở rộng quy mô đối thoại, không chỉ là bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các cấp mà người đứng đầu phụ trách ngành, lĩnh vực, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố ở nhiều nơi đã chủ động tổ chức đối thoại với đối tượng quản lý và nhân dân...

Công tác điều hành hội nghị tiếp xúc, đối thoại ở nhiều địa phương đã đảm bảo dân chủ, cởi mở, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đóng góp các ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, góp ý về công tác điều hành, quản lý của các cấp, các ngành và góp ý về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, việc phục vụ Nhân dân của các cơ quan hành chính. Người chủ trì hội nghị đã nắm chắc nội dung, gợi mở, điều hành khoa học, linh hoạt, phù hợp với diễn biến hội nghị, thể hiện năng lực, trình độ và bản lĩnh của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Sau hội nghị, kịp thời chỉ đạo ban hành thông báo kết luận phân công các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của đại biểu dự hội nghị đối thoại

Những tác động tích cực của tăng cường đối thoại

Bên cạnh các chương trình công tác toàn khóa toàn diện trên các lĩnh vực; Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn những vẫn đề khó khăn, vướng mắc để ban hành các nghị quyết chuyên đề và các chỉ thị trúng và đúng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển của Thành phố; nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt những kết quả rõ rệt.

HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh. Diện mạo Thủ đô thay đổi rõ rệt, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang hơn; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được khẳng định và phát huy tốt hơn.

Việc tổ chức các hội nghị đối thoại thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, để đối thoại, tháo gỡ, không để phát sinh "điểm nóng", đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân trước những vấn đề quan trọng tại địa phương.

Nhiều địa phương không còn tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân tại các buổi đối thoại giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh; kết quả thực hiện đối thoại trở thành một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, đánh giá sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp.

Trong những năm tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác tiếp xúc, đối thoại. Coi kết quả thực hiện tiếp xúc, đối thoại là tiêu chí đánh giá chất lượng cấp ủy, tổ chức đảng và là tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ngoài ra, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại theo hướng phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của từng nhóm đối tượng đối thoại; không né tránh những việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân, tập trung vào các nội dung tham vấn, đóng góp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý của các cấp chính quyền và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là công chức, viên chức thường xuyên tiếp công dân.

Gia Huy

Top