Tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng cải cách hành chính

02/05/2022 9:15 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025.

Tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng cải cách hành chính - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) - Ảnh: VGP

Chỉ số CCHC của các sở, địa phương tăng trên nhiều lĩnh vực

Kết quả chỉ số CCHC năm 2021 vừa được TP. Hà Nội công bố cho thấy, Sở Tài chính đứng đầu khối sở, cơ quan tương đương sở với chỉ số CCHC 89,83%; quận Cầu Giấy đứng đầu các quận, huyện, thị xã với chỉ số CCHC 95,24%. Sở Tài nguyên và Môi trường và huyện Thường Tín đứng cuối cùng về chỉ số CCHC.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng, dựa trên các hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chỉ số CCHC giai đoạn 2021-2025 tại Hà Nội có nhiều điểm mới. Các tiêu chí đánh giá được lượng hóa, đánh giá tính hiệu quả CCHC dựa trên kết quả đầu ra, giảm trọng số điểm với các tiêu chí đánh giá mang tính hình thức, dựa trên sự tuân thủ. Do đó, các tiêu chí đánh giá chặt chẽ, cụ thể, lược bỏ các tiêu chí không rõ, khó định lượng.

Quá trình đánh giá đã tăng số điểm đối với các nội dung được Thành phố xác định là trọng tâm, đột phá trong công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2025: Vai trò, trách nhiệm, tính hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Quá trình đánh giá cũng lồng ghép, bổ sung nội dung chấm điểm mà Thành phố đang quan tâm, tập trung chỉ đạo liên quan đến Chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trong nội dung chấm điểm Chỉ số CCHC.

Kết quả chung năm 2021 cho thấy Chỉ số CCHC trung bình của khối huyện cao hơn khối Sở (90.55% của khối Huyện so với 81.95% của khối Sở). So với năm 2020, kết quả năm 2021 của khối Huyện tăng 0,76%, trong khi kết quả của khối Sở giảm 2,84%. Điều cho thấy các quận, huyện, thị xã đã có sự nỗ lực, quyết tâm cải thiện chất lượng công tác cải cách hành chính.

Ở khối huyện, các nội dung có kết quả trung bình năm 2021 tăng cao là Lĩnh vực: Tác động CCHC đến phát triển kinh tế xã hội của Thành phố (tăng 9,72%); lĩnh vực cải cách tài chính công (tăng 8,57%). Ở khối Sở, các nội dung có kết quả trung bình năm 2021 tăng cao là lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (tăng 12,89%); lĩnh vực tác động CCHC đến phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố (tăng 10,76%).

Chỉ số CCHC năm 2021 cũng cho thấy, một số đơn vị tiếp tục duy trì Chỉ số CCHC ổn định, thứ hạng cao trong nhiều năm (Sở Tài chính, Sở Nội vụ, UBND quận Cầu Giấy, UBND quận Long Biên...). Nhiều đơn vị đã có sự quyết tâm, bút phá trong công tác CCHC như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện Ba Vì...).

Giảm thời gian, thành phần hồ sơ mỗi TTHC

Đứng thứ 2 toàn Thành phố về chỉ số CCHC năm 2021 ở cấp sở, vừa được Thành phố trao tặng Bằng khen là đơn vị có thành tích vượt bậc trong CCHC, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, với nhiều lĩnh vực chuyên môn, đối tượng quản lý đông, khối lượng công việc lớn nên số thủ tục hành chính của Sở đang thực hiện là 163 thủ tục, chiếm gần 9% trong tổng trên 1.800 số TTHC của Thành phố.

Trong đó, liên thông cấp Trung ương 7 thủ tục, cấp Thành phố 113 thủ tục, cấp huyện 26 thủ tục và cấp xã 17 thủ tục. Hằng ngày Sở tiếp đón 400 đến 500 lượt công dân đến làm việc. Đa số công dân đến làm việc với Sở là người lao động thuần tuý, thương bệnh binh, thân nhân gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội...

Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ, ý thức được đặc thù của ngành, hiểu được tâm lí, tâm trạng của công dân khi đến Sở làm việc, đặc biệt là nhóm đối tượng đặc thù nên bộ phận làm TTHC khi tiếp công dân luôn xác định rõ trách nhiệm, thái độ của mình để thực thi nhiệm vụ.

Năm 2021, công tác CCHC của Sở đã đạt được một số kết quả tích cực như: Tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 22/108 TTHC, đạt tổng số TTHC. Trong 22 thủ tục đơn giản hoá, có 20 thủ tục giảm từ 1 đến 3 ngày làm việc và 2 thủ tục giảm thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ.

Khối lượng hồ sơ Sở tiếp nhận và giải quyết trong năm 2021 là trên 40.500 hồ sơ, tăng trên 6.200 hồ sơ; trung bình mỗi ngày Sở giải quyết 163 hồ sơ.

"Việc giảm thời gian và giảm thành phần hồ sơ cho mỗi thủ tục đã giúp Sở tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tăng khả năng tiếp nhận hồ sơ và chất lượng giải quyết công việc", bà Liên Hương chia sẻ.

Trong hai năm vừa qua, nhất là năm 2021, Sở được Thành phố giao chủ trì tham mưu triển khai tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và ban hành các chính sách đặc thù của Thành phố. Trong thời gian ngắn, Sở đã cùng các cấp các ngành liên quan tham mưu để Thành phố hỗ trợ trên 6,17 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 với số tiền trên 7.800 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Sở đã có sáng kiến triển khai phương pháp khảo sát trực tuyến sự hài lòng của công dân bằng Google Forms thông qua link liên kết hoặc quét mã QR code. Kết quả xác định chỉ số hài lòng đối với nhóm dịch vụ hành chính lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp đạt 93,25%, Việc làm-An toàn lao động đạt 97,04%, Bảo hiểm thất nghiệp đạt 97,61%, Các chỉ số hài lòng đều tăng cao so với năm 2020.

Chỉ số CCHC là tiêu chí đánh giá năng lực người đứng đầu

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, thời gian qua, Hà Nội đã quan tâm và tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác CCHC, xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và xuyên suốt để hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025.

Từ chỉ số CCHC năm 2021 vừa công bố, các cơ quan, đơn vị của Hà Nội sẽ có giải pháp cần thiết trong tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC năm 2022, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai CCHC của cơ quan, đơn vị. Đưa kết quả Chỉ số CCHC thành một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực người đứng đầu các đơn vị trực thuộc.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030. Trong giai đoạn 2021-2030, Thành phố sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện tư duy quản lý, điều hành của chính quyền, đặc biệt là công tác CCHC, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Tại hội nghị công bố chỉ số CCHC vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác CCHC phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về công tác CCHC của cơ quan, đơn vị trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố. Lấy kết quả chỉ số CCHC hằng năm của cơ quan, đơn vị là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực người đứng đầu; đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức và gắn với công tác thi đua – khen thưởng.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách TTHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phụ vụ. Chủ động triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0 và việc chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới.

Gia Huy

Top